Người mắc COVID-19 trung bình phải mất đến 20 ngày để đào thải virus khỏi cơ thể, và lây lan trước khi xuất hiện triệu chứng. SARS-CoV-2 còn tồn tại trong phân trẻ em đem lại nguy cơ lây qua đường phân - miệng (thông qua ngón tay, ruồi, đồng ruộng, nguồn nước, thức ăn).
Phát hiện trên cho thấy cần phải điều trị và cách ly bệnh nhân lâu hơn, theo đội ngũ chuyên gia thuộc bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật. Họ nhấn mạnh bản chất dễ lây lan của SARS-CoV-2 thể hiện qua số ca nhiễm ngày càng tăng trên toàn cầu: gần 300.000 ở 172 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nghiên cứu cũng lưu ý thuốc kháng virus không giúp rút ngắn thời gian đào thải SARS-CoV-2.
Thông qua tìm hiểu lượng virus trong dịch hầu họng ở thời điểm khác nhau, đại học Hồng Kông hợp tác cùng học giả từ Quảng Châu phát hiện khả năng lây lan của SARS-CoV-2 đạt đỉnh ở trước hoặc vào lúc bệnh nhân xuất hiện triệu chứng - lượng virus trong dịch hầu họng nhiều nhất.
Tỷ lệ truyền nhiễm trước khi xuất hiện triệu chứng lên đến 44%, khiến việc kiểm soát lây lan bằng cách tìm ra người từng tiếp xúc với bệnh nhân rồi đưa đi cách ly rất khó khăn. Biện pháp cách ly xã hội có thể hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Nature Medicine tuần trước củng cố cho quan điểm SARS-CoV-2 có thể cơ lây qua đường phân - miệng, đồng thời chỉ ra rằng xét nghiệm bệnh phẩm trực tràng hữu ích hơn xét nghiệm dịch hầu họng trong đánh giá hiệu quả điều trị cũng như xác định thời gian cách ly cần thiết.
Cẩm Bình (theo SCMP)