Ngày 8.10, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã tuyên bố trao giải Nobel Vật lý 2019 cho ba nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz vì những phát hiện "đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ".
Cụ thể, nhà khoa học James Peebles sẽ được trao một nửa giá trị giải thưởng vì "những phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ học vật lý". Ông sinh năm 1935 tại Winnipeg, Canada, là giáo sư tại Đại học Princeton, Mỹ.
Trong khi đó, hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz chia nhau nửa giải còn lại vì "phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời".
Ông Michel Mayor, sinh năm 1942 tại Lausanne, Thụy Sĩ, đang giảng dạy tại Đại học Geneva, còn ông Didier Queloz sinh năm 1966, là giáo sư tại Đại học Geneva và Đại học Cambridge, Anh.
Theo Ủy ban Nobel, ông Peebles đã dành nhiều năm nghiên cứu về vũ trụ "nơi có hàng tỷ thiên hà và cụm thiên hà. Khung lý thuyết của ông, được phát triển qua hai thập kỷ, là nền tảng cho nhận thức hiện đại của chúng ta về lịch sử vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang cho đến ngày nay".
Còn ông Mayor và ông Queloz đã khám phá Dải Ngân Hà, tìm kiếm những "thế giới chưa từng được biết đến". Họ là những người đầu tiên phát hiện một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời, với quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời, được đặt tên là 51 Pegasi.
Với việc giải Nobel Vật lý năm nay lại tiếp tục vinh danh các nhà khoa học nam, khoảng cách chênh lệch giữa số nhà khoa học nam và nữ đoạt giải lại tiếp tục tăng cao. Từ năm 1901 đến nay, giải Nobel Vật lý đã được trao 113 lần cho 211 cá nhân, trong đó nhà vật lý học người Mỹ John Bardeen là người duy nhất hai lần nhận giải.
Thiên Hà (theo Guardian)