EVN đoạt giải Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc trong 4 năm liền từ 2019 -2022 - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Với vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đầu tàu, từ năm 2021, EVN đã sớm triển khai chuyển đổi số toàn diện trong 5 lĩnh vực trọng tâm là: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin.
Với định hướng sớm, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, việc chuyển đổi số trong EVN đã đem lại nhiều kết quả tích cực. "Tới nay, EVN đã xây dựng được hệ sinh thái lớn mạnh với đầy đủ các phần mềm phục vụ công tác quản lý và mọi lĩnh vực hoạt động của EVN", Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An khẳng định.
Cụ thể, trong lĩnh vực quản trị, EVN là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc thành công trong việc thiết lập trục liên thông văn bản thống nhất trong toàn Tập đoàn, là cơ sở quan trọng để kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia sau này.
Việc áp dụng thống nhất hệ thống Digital Office đã đánh dấu sự chuyển dịch từ mô hình quản trị truyền thống lên mô hình quản trị trực tuyến, làm tiền đề cho tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Tới nay, hệ thống Digital Office đã cho phép cán bộ, nhân viên EVN trình ký, phát hành 100% văn bản đi và tiếp nhận văn bản đến, lập hồ sơ điện tử và lưu trữ hoàn toàn trên môi trường mạng.
Qua đó, giúp các ban, đơn vị trong EVN giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN đã đẩy mạnh công tác đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, 100% các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng.
EVN cũng đã đưa vào triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) với tổng số 23 phân hệ chính phục vụ toàn bộ công tác quản lý về đầu tư xây dựng trong toàn Tập đoàn.
EVN cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp. Sự kết hợp giữa UAV, camera thông minh và phần mềm với các thuật toán AI đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giám sát tình trạng đường dây truyền tải và trạm biến áp; giúp công tác kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trở nên dễ dàng, chính xác và tiết kiệm thời gian, đặc biệt là tại khu vực có địa hình phức tạp.
Đồng thời, tăng cường bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình làm việc, tăng năng suất lao động. Theo tính toán của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia – một đơn vị trong EVN, nhờ ứng dụng công nghệ này đã giảm 22,4% nhân công khi quản lý vận hành đường dây 500kV và 17,9% đối với đường dây 220kV.
Đáng chú ý, nhiều phần mềm trong hệ sinh thái số EVN được Công ty Viễn thông Điện lực và công nghệ thông tin (EVNICT) phát triển đã khẳng định được chất lượng vượt trội, nhận được hàng loạt giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Chuyển đổi số quốc gia, giải Sao Khuê,...
Điều này cho thấy năng lực, sự tự chủ của EVN và các đơn vị trong việc từng bước làm chủ công nghệ trên hành trình chuyển đổi số.
Toàn Thắng
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/evn-nhieu-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-102250204105332089.htm