Nhóm nghiên cứu cho biết họ quan sát và thấy nhện tiết ra một chất đặc biệt để bắt con mồi trong mưa cũng như trong môi trường ẩm ướt. Các chuyên gia đã phân tích cách thức chất này hấp thụ nước để phát triển loại băng dính hai mặt mô phỏng chất mà nhện tiết ra. Qua thử nghiệm trên da, ruột, gan, dạ dày và phổi của lợn và chuột, họ nhận thấy chất này chỉ mất vài giây để đạt được hiệu quả.
Được biết, rất khó để làm cho mô tạo thành một liên kết mạnh do có chất lỏng trên bề mặt. Tất nhiên, khâu vết thương sẽ giữ các mô lại với nhau, nhưng phương pháp khâu thường dẫn đến nhiễm trùng vết thương và gây cảm giác đau đớn. Chất kết dính vết thương hiện có trên thị trường bắt đầu hoạt động sau một vài phút. Ngoài ra, chúng còn có thể xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể.
Các nhà khoa học phát hiện nhện tiết ra một chất dính có chứa polysacarit, chất này gần như ngay lập tức hút nước từ bề mặt cơ thể côn trùng, để lại một khu vực khô rất nhỏ. Bản thân keo dính có thể dính vào chính vị trí đó.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng axit polyacrylic để hấp thụ chất lỏng từ bề mặt mô cơ thể. A xit kích hoạt keo và sự bám dính xảy ra rất nhanh. Theo các nhà nghiên cứu, việc bổ sung gelatin hoặc chitosan sẽ cho phép băng đã tẩm axit duy trì hình dạng của nó trong vài ngày hoặc thậm chí cả tháng.
Hyunwoo Yuk, tác giả của công trình nghiên cứu, giải thích rằng rất khó để khâu các mô mềm hoặc dễ vỡ như phổi và khí quản, nhưng với băng dính hai mặt của chúng tôi, trong vòng 5 giây chúng tôi có thể dễ dàng bịt kín chúng.
Vũ Trung Hương