Trong chiến tranh, Quảng Bình là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, vật chất cho chiến trường miền Nam, là trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch. Vì vậy, địa phương này bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn nạn nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Theo số liệu điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN) thuộc Bộ Tư lệnh Công binh - Bộ Quốc phòng, tỉnh này có khoảng 224.934,5 ha bị nhiễm bom mìn. Thống kê từ năm 1975 đến nay, Quảng Bình có 5.847 người chết và bị thương do bom mìn.
Tình trạng nhiễm bom mìn khiến diện tích lớn đất ở, sinh hoạt, canh tác... không sử dụng được. Bên cạnh đó, một số người dân dò tìm các loại bom mìn, vật liệu nổ để cưa, phá lấy thuốc nổ và phế liệu. Việc sử dụng chất nổ gây ra những vụ mất trật tự an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng...
Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, trú tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) sinh sống gần bến phà Xuân Sơn, nơi từng hứng chịu rất nhiều bom, đạn thời chiến. Trong số đó, có một số bom, đạn chưa nổ vẫn còn lưu lại dưới nền đất. Hàng chục năm qua, người dân địa phương vẫn sinh sống, canh tác, tiềm ẩn nguy hiểm.
Theo thống kê, Quảng Bình có khoảng 224.934,5 ha bị nhiễm bom mìn sau chiến tranh.
Trước thực trạng đó, Tổ chức MAG Việt Nam (tổ chức phi Chính phủ hoạt động về lĩnh vực bom mìn nhân đạo, giúp cộng đồng tránh khỏi những nguy cơ thương vong, chết chóc do tàn tích chiến tranh gây ra) tiến hành rà phá và xử lý bom mìn ở khu vực gia đình sinh sống và ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch. Quá trình đó, riêng khu vườn 4.500 m2 của gia đình ông Chiến phát hiện 8 quả bom chùm. Ông Chiến cảm thấy vô cùng may mắn vì sinh sống trên mảnh đất chứa nhiều vật liệu nổ nhưng chưa gặp phải tai nạn đáng tiếc nào.
"Khu vực sinh sống, sản xuất của chúng tôi được làm sạch bom mìn khiến ai cũng yên tâm cày bừa, đào xới đất để sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển đời sống", ông Chiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Quản lý hoạt động của Dự án MAG Quảng Bình cho biết, tổ chức hoạt động tại Quảng Bình từ năm 2003. Đơn vị thực hiện các hoạt động giáo dục nguy cơ về bom mìn và tiến hành rà phá tại các khu vực ô nhiễm bom, mìn, vật nổ.
Dự án MAG thực hiện các hoạt động giáo dục nguy cơ về bom mìn.
Công việc của các nhân viên tổ chức tiềm ẩn rủi ro và nguy hiểm, chỉ một sơ suất, sai lầm nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Vì thế, mỗi nhân viên phải tập trung cao độ, luôn thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc để đảm bảo an toàn.
Sau hơn 20 năm hoạt động, Dự án MAG tại Quảng Bình phát hiện và hủy nổ thành công hơn 147.000 vật liệu nổ các loại và thực hiện 1.755 cuộc truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Những hoạt động trong dự án được người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần giảm thiểu nguy cơ về tai nạn bom mìn.
Sau hơn 20 năm hoạt động, Dự án MAG tại Quảng Bình phát hiện và hủy nổ thành công hơn 147.000 vật liệu nổ các loại.
Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình cho biết, các hoạt động của Tổ chức MAG góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân về tai nạn bom mìn, giảm thiểu đáng kể tai nạn do bom mìn ở Quảng Bình, làm sạch đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh sống, sản xuất của người dân.
Hùng Trần
Nguồn suckhoedoisong.vnc
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/hon-147000-vat-lieu-no-da-duoc-phat-hien-va-huy-no-169240719071124879.htm