Trong những năm qua, thành phố luôn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường. Thành phố đã chủ động triển khai giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt là vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải, cải thiện chất lượng không khí. Trong đó trước mắt, thành phố sẽ tập trung thực hiện vệ sinh môi trường ở 4 quận nội đô là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Ba Trưng và Đống Đa.
Riêng đối với công tác thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế về mặt trang thiết bị. Phần lớn xe chuyên chở rác thải đang được sử dụng đều đã cũ, lạc hậu và không đảm bảo được vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển rác. Công tác quét rác chủ yếu bằng thủ công, thu gom các điểm rất mất vệ sinh và ùn tắc giao thông. Do đó, việc nâng cấp, thay thế thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa, thay thế các phương tiện thu gom còn gặp nhiều khó khăn.
UBND thành phố Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 275/KH-UBND về thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó thành phố đã cơ bản có những bước tiến về phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, việc tập trung phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường thành phố như: phát triển các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh đáp ứng 50-60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải; 40-50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60-70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; xuất khẩu được 20-30% các sản phẩm của ngành Công nghiệp môi trường vẫn còn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Chỉ tính riêng việc chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác trên địa bàn thủ đô còn gặp nhiều khó khăn dù chủ trương chuyển đổi phương tiện đã được đề ra từ rất lâu, nhưng đến nay, bài toán này vẫn còn nhiều vướng mắc.
Có thể nhận thấy, trên nhiều tuyến đường của thành phố những chiếc xe thu gom rác tự chế, cũ kỹ; thùng rác không nắp đậy, chất cao ngất ngưởng, nước thải rỉ xuống mặt đường; nhiều phương tiện không đèn, không gương... Thực trạng này phản ánh rõ ràng Thủ đô vẫn chưa làm tốt công tác quản lý, chuẩn hóa phương tiện thu gom rác.
Mặc dù Thành phố đã có các yêu cầu, tiêu chí về thí điểm nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường các quận nội đô với 100% thu gom rác bằng xe cơ giới, xóa bỏ toàn bộ xe đẩy tay; xóa bỏ 104 điểm cẩu, tập kết rác mất vệ sinh và thay vào đó là 14 điểm trung chuyển rác, sử dụng thùng ép rác đảm bảo vệ sinh môi trường; thay đổi 100% quy trình duy trì vệ sinh moi trường đường, hè phố truyền thống, tiến tới không có rác trắng trên đường… thế nhưng, sau thời gian dài, việc chuyển đổi vẫn chưa thể đồng bộ vì nguồn vốn đầu tư cao, vượt quá khả năng của thành phố cũng như chưa có cơ chế đồng bộ để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là những khó khăn rất thực tế trong quá trình vận hành.
Gần đây nhất, ngày 20/6/2025, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức "Lễ ra quân vận hành phương tiện, thiết bị vệ sinh môi trường trên địa bàn 04 quận nội đô". Tuy nhiên, để đưa vào vận hành các phương tiện mới thay thế dần các phương tiện thu gom rác và vệ sinh môi trường cũ cũng đã bộc lộ quá nhiều khó khăn, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cụ thể:
Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý (đơn vị đầu tư và vận hành các phương tiện thu gom rác và vệ sinh môi trường) đã tăng cường phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác vệ sinh môi trường thông qua việc ký hợp đồng mua 100 phương tiện phục vụ vệ sinh môi trường hiện đại, trong số đó có những mẫu xe lần đầu tiên được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam.
Đến tháng 4/2025, các lô hàng đã cập cảng và hoàn tất thủ tục hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, vì đây là các phương tiện sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải Euro VI - cao hơn tiêu chuẩn Euro V đang áp dụng tại Việt Nam nên quá trình đánh giá, xác nhận và thử nghiệm kỹ thuật gặp phải một số điểm chưa tương thích.
Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý đã phố hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầy đủ quy trình gồm: Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, thử nghiệm khí thải, đăng kiểm, đăng ký lưu hành… theo đúng quy định. Tuy nhiên, dù có sự hướng dẫn tích cực từ các cơ quan chức năng nhưng để đưa vào vận hành các phương tiện này vẫn gặp một số khó khăn. Ngày 22/5, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra lô hàng 44 xe (trong số 100 xe chuyên dùng) trên, kết quả cho thấy, về an toàn kỹ thuật thì trong tổng số 44 xe được kiểm tra có 27 xe không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam. Ví dụ như xi téc dung tích lớn dẫn đến khi bơm nước vào quá tải trọng; chiều rộng thùng hàng vượt quá tỉ lệ quy chuẩn quốc gia cho phép đối với so sánh với ca bin (quy chuẩn là không vượt quá ca bin 10% nhưng tất cả 27 xe đều vượt quá 14 – 19%)…
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, theo quy định, xe nhập khẩu về thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phải đăng ký, đăng kiểm mới được lưu thông. Tuy nhiên, việc cấp phép cho các phương tiện chuyên dụng mới cũng đòi hỏi nhiều thời gian để kiểm định, kiểm chứng nên việc đưa vào hoạt động các phương tiện này sẽ bị chậm trễ, khó cấp giấy phép cho các xe này hoạt động mặc dù Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã nhận được văn bản xin đăng ký xe của Công ty Năng lượng Môi trường Thiên Ý. Để tháo gỡ vướng mắc này, có ý kiến cho rằng có thể căn cứ vào Khoản 4, Điều 5 Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; để cấp phép tạm thời cho các xe này hoạt động. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm thông tin, loại ô tô chuyên dùng này không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP…
Để các phương tiện thu gom, vận chuyển không chỉ dừng lại ở thí điểm, Hà Nội cần nhiều hơn sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đồng hành và một phần từ cơ chế, chính sách phù hợp
Có thể nhận thấy, việc mong muốn được chuẩn hóa, thay thế các phương tiện thu gom rác thực tế là cần thiết. Tuy nhiên, có làm được hay không đòi hỏi đồng bộ các giải pháp không chỉ từ các cấp chính quyền mà còn từ cơ chế, chính sách và đặc biệt là sự chung tay của các doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ này.
Hướng đi nào cho chuẩn hóa, thay thế phương tiện thu gom rác
Trước hết, trong các đô thị lớn không chỉ tại Hà Nội, phải coi việc chuẩn hóa, thay thế phương tiện thu gom rác là mục tiêu chính, trọng tâm trước khi tiến hành công tác thu gom, xử lý. Phải thực sự thực hiện nghiêm túc, bài bản từ góc độ quy hoạch, phải có tính toán rõ ràng, lộ trình cụ thể cho việc chuẩn hóa, thay thế phương tiện thu gom rác từ đó mới tính toán được giá thành, tìm ra giải pháp để nhà nước và nhân dân cùng làm, doanh nghiệp đầu tư và thực hiện.
Rõ ràng, để thành phố sạch đẹp, văn minh hơn thì việc chuẩn hóa, thay thế phương tiện thu gom rác là chuyện phải làm. Nhưng để gỡ rối cho bài toán kéo dài cả chục năm này, chúng ta cần những giải pháp thật sự đi vào cuộc sống. Phải có chính sách hỗ trợ vốn vay thiết thực, và phải tìm ra những loại xe vừa hiện đại, vừa phù hợp với từng con ngõ, tuyến phố và phù hợp với mục đích bảo vệ môi trường của các đô thị.
Có thể thấy bài toán chuẩn hóa, thay thế không chỉ đơn thuần quy định về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn các phương tiện thu gom hướng đến thay thế phương tiện đã cũ, mà là một chuỗi các vấn đề nan giải từ hạ tầng, chi phí đến sức lao động. Để giải được bài toán này đòi hỏi chính quyền cần quyết liệt hơn trong việc đưa ra đường lối, chủ trương một mặt vừa đảm bảo về tiến độ, chất lượng thời gian chuẩn hóa, thay thế mà vẫn đảm bảo thu hút được sự chung tay từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, bổ sung và thay thế một số điều tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đối với các loại xe chuyên dụng thu gom và bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, không chỉ mở lối đi cho các doanh nghiệp nhập khẩu mà còn tạo ra sức cạnh tranh để các doanh nghiệp trong nước có thể chuyển đổi, vươn mình đáp ứng các yêu cầu thu gom rác thải.
Cùng với đó, việc nghiên cứu, bổ sung, thay thế các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến đăng kiểm, lưu hành, khí thải, kích thước cũng như điểm tập kết... cũng cần được tính đến. Đây là yêu cầu đòi hỏi cấp thiết khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, nơi mà các doanh nghiệp nước ngoài đang tích cực đầu tư vào thị trường thiết bị, phương tiên thu gom rác thải, nước thải…
Để công tác chuẩn hóa, thay thế các phương tiện thu gom rác thải thật sự hiệu quả còn phải tính đến việc huy động các nguồn lực cho chuẩn hóa, thay thế. Nguồn kinh phí đầu tư cho chuẩn hóa, thay thế thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay vẫn cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu. Việc giá, phí thu gom rác thải còn quá thấp so với chi phí để phục vụ đầu tư ngược lại cho việc chuẩn hóa, thay thế phương tiện cũng là bài toán mà không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác đang loay hoay tìm lời giải. Song song với đó, việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước để đầu tư chuẩn hóa, thay thế phương tiện sao cho đồng bộ với hạ tầng môi trường, khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải vẫn vướng về cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu, đích đến của quá trình chuẩn hóa, thay thế phương tiện thu gom rác.
Chỉ khi làm tốt công tác chuẩn hóa, thay thế các phương tiện thu gom rác thải, Thủ đô mới thực sự nâng cao được chất lượng, hiệu quả thu gom, xử lý rác thải và góp phần bảo vệ môi trường, mang đến bộ mặt sáng xanh – sạch – đẹp, là điểm đến lý tưởng cho bạn bè trong nước và du khách quốc tế.