Đứng trước các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tỉnh Bình Định ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường và đặc biệt là Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 20/11/2023 của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý chất thải, giám sát chất lượng môi trường và phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Với phương châm phát triển kinh tế - xã hội đi cùng với bảo vệ môi trường, tỉnh Bình Định đã xác định và tập trung nhiều nguồn lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực BVMT, ứng phó với ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Nhiều đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh đã tập trung vào xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi quy mô nhỏ, số hóa cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và kiểm soát chất thải tại các khu, cụm công nghiệp và đem lại các giá trị không chỉ về lý luận mà còn mang lại giá trị về kinh tế.
Cùng với đó, các mô hình công nghệ mới trong xử lý chất thải rắn, nước thải và quan trắc môi trường tự động từng bước được đưa vào ứng dụng thực tiễn. Việc chuyển giao công nghệ được gắn với hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị sản xuất thân thiện môi trường, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Những nỗ lực này góp phần xây dựng nền tảng khoa học – công nghệ vững chắc cho phát triển xanh tại địa phương.
Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, các sở, ngành đã thực hiện 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực BVMT. Trong đó, nhiệm vụ “Nghiên cứu số hóa và quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định” và “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý nước thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ, chi phí thấp” đã nghiệm thu, bàn giao kết quả cho các đơn vị có liên quan. Các nhiệm vụ cơ bản đã được nghiệm thu và bàn giao triển khai trong thực tế bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận trong BVMT.
Đơn cử, mô hình xử lý nước thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ (từ 50 - 100 con) bằng công nghệ lọc sinh học tuần hoàn và Wetland triển khai thực hiện tại một số nông hộ ở huyện Hoài Ân mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Mô hình đã giải quyết bài toán bảo vệ môi trường xung quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi khi hạn chế được phát sinh mùi hôi và nước thải xả ra môi trường hướng đến đảm bảo đủ các tiêu chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiệu quả khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường được xem là động lực thúc đẩy Bình Định tiến tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trong tương lai không xa.
Ngoài ra, chi phí đầu tư xây dựng các mô hình không quá cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, năng lực kinh tế cấp nông hộ. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị, xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất tiên tiến thân thiện với môi trường. Từ năm 2020 đến nay đã hỗ trợ xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho 110 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 17,9 tỷ đồng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình BVMT và xử lý chất thải ứng dụng tiến bộ KHKT đạt những kết quả thiết thực. Điển hình như mô hình nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi heo tại trại heo giống ở xã Canh Vinh (huyện Vân Canh); hay mô hình công trình khí sinh học biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi heo cũng được triển khai rộng rãi và đem lại hiệu quả rõ nét. Hiện toàn tỉnh có hơn 53.200 công trình biogas được xây dựng, lắp đặt để xử lý chất thải đối với hoạt động chăn nuôi quy mô nông hộ và các trang trại quy mô lớn; góp phần đáng kể trong việc hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi.
Từ những kết quả đã đạt được trong việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường thời gian tới, xem đây là động lực thúc đẩy Bình Định tiến tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trong tương lai không xa.
Phạm Kiên
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốchttps://congnghiepmoitruong.vn/binh-dinh-tang-cuong-nghien-cuu-khoa-hoc-ung-dung-trong-bao-ve-moi-truong-15025.html