Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết của tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng bàn về vấn đề “Phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc”.
Phụ nữ Việt Nam sang Hàn Quốc lấy chồng xét cho cùng là đáng thương cảm, chứ không phải đáng trách. Người ta vì cuộc sống, vì muốn giúp gia đình, bố mẹ, giúp em đi học. Mà đâu phải lấy được chồng đại gia, thậm chí họ phải làm osin. Niềm an ủi lớn nhất với họ có lẽ là những đứa con.
Nhưng thương cảm với những người phụ nữ này không có nghĩa là cổ súy cho trào lưu lấy chồng Hàn Quốc để mong được đổi đời. Phần nhiều những phụ nữ này có trình độ học vấn thấp. Vậy vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao được trình độ cho phụ nữ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để hạn chế tình trạng “làm dâu xứ người” này.
|
Trào lưu lấy chồng Hàn về tận các vùng nông thôn, hẻo lánh ở Việt Nam. |
Người Việt làm thuê cả ở sân nhà và sân bạn, Người Hàn làm chủ cả ở sân bạn lẫn sân nhà. Trong khi cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có xuất phát điểm giống nhau. Hơn nữa, Việt Nam còn thống nhất được đất nước, trong khi Hàn Quốc không làm được điều đó và bây giờ họ phải đối diện với tình trạng có thể xảy ra chiến tranh bất kỳ lúc nào giữa hai miền Nam - Bắc nếu không kiềm chế được.“10 vạn – 10 vạn” là con số so sánh vị thế trong công việc giữa người Việt Nam và người Hàn Quốc. Số liệu thống kê ban đầu là 9 vạn – 9 vạn do Giáo sư Trần Văn Thọ, ở Nhật đưa ra cách đây mấy năm. Vừa rồi, khảo sát lại cho thấy, con số 9 vạn đã tăng lên 10 vạn và nếu chúng ta không có những giải pháp hiệu quả thì sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới. Người Việt không chỉ làm thuê ở Việt Nam mà còn làm thuê ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chứ không chỉ riêng ở Hàn Quốc.
Một giải pháp nữa mà giáo dục của chúng ta cần đặt ra và thực hiện ngay đó là việc chuẩn bị cho lớp trẻ khả năng chủ động tự lập nghiệp. Họ phải tự tạo ra sự nghiệp cho mình và cho người khác. Nhiều năm qua, nền giáo dục của chúng ta đang chủ trương đào tạo những người làm thuê. Và hậu quả của nó như thế nào thì chúng ta đã biết.
Ở Việt Nam, việc sinh viên sau khi tốt nghiệp, xin được việc làm ở một công ty, tổ chức nào đó đã là điều đáng mừng lắm rồi. Họ cũng xem điều đó là một thành công mà ít có tư tưởng tự lập nghiệp.
Dĩ nhiên chúng ta không vơ đũa cả nắm. Có những sinh viên Việt Nam rất thông minh, năng động. Có lần tôi đặt câu hỏi với một sinh viên, rằng làm thế nào để lập nghiệp khi không có vốn trong tay. Một bạn đã trả lời: “Cháu sẽ làm theo kiểu không có vốn. Quan trọng là chúng ta có ý tưởng hay, có phương pháp tốt hay không. Nếu chúng ta đã có điều đó thì vốn sẽ nằm ở đâu đó, trong tay những người nào đó đang cần chúng ta tìm đến”. Tôi tin rằng những em đó rồi sẽ thành công và đó là tín hiệu đáng mừng.
Bàn đến vấn đề du lịch, một lĩnh vực liên quan đến việc phát triển con người, chúng ta phải đặt ra câu hỏi, Việt Nam đã khai thác được bao nhiêu phần trăm tiềm năng du lịch và có thể phát triển được đến đâu?
Du lịch Việt Nam tiềm năng hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia nhưng hiệu quả du lịch kém họ nhiều lần. Du lịch Việt Nam hiện nay sử dụng 1,7 triệu lao động. Nếu phát triển tốt, chúng ta có thể tăng 10 lần, sẽ sử dụng được vài chục triệu lao động. Du lịch phát triển mạnh chúng ta có thể sử dụng được một nửa số lao động, sẽ bớt được những thành phần xuất khẩu lao động, đi làm osin, làm dâu xứ người. Vì sao chúng ta phải tập trung đầu tư phát triển du lịch?
Du lịch còn có cái hay nữa, khác với các ngành công nghiệp khác, đó là con người còn tiếp biến với các nền văn hóa, trong khi ở các ngành công nghiệp khác, con người phải tiếp xúc với máy móc. Nó còn là ngành công nghiệp không khói và lớn nhất thế giới, các nước đang phát triển mạnh để thúc đẩy kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
Null