Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt thành công vở cải lương “Vì sao lạc xứ” với ê-kíp sáng tạo là những tên tuổi của nền kịch hát dân tộc.
Trong đó phải kể đến tác giả - nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, cổ nhạc NSND Thanh Hải, mỹ thuật NSƯT Doãn Bằng.
Vở cải lương kể về cuộc đời của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, con trai của Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, từ lúc ông bị quân nhà Minh bắt và lưu lạc xứ người. Ngay trong đêm tổng duyệt đầu tiên, vở cải lương đã nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả cũng như nhiều giọt nước mắt xót xa cho thân phận một con người lỗi lạc của nước Việt bị cầm tù bởi nhà Minh muốn lấy của ông bí quyết chế đại pháo. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng vở diễn không hoàn toàn tuân theo chính sử mà hư cấu quá nhiều. Để làm sáng tỏ việc này, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, tác giả kịch bản của vở cải lương “Vì sao lạc xứ”.
Vở cải lương đã nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả
Thưa nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, ngay khi vở diễn ra mắt, đã có nhiều ý kiến trái chiều về tên vở. Vì sao lạc xứ, rất dễ nhầm sang câu hỏi. Và đã có người đặt thêm dấu chấm hỏi cho vở diễn của anh? Tại sao anh chọn cái tên này?
Thường thì tôi viết kịch bản xong mới đặt tên, vì khi viết, câu chuyện đôi khi chạy theo chính nhân vật, do nhân vật quyết định. Nhưng với kịch bản này, tôi đặt tên xong mới viết. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, với tôi, là một trong số những vì tinh tú lỗi lạc nhất mà trời Nam có được, và số phận của ông làm tôi chua xót và có phần nào liên tưởng tới mình, dù trước ông, tôi chỉ như con đom đóm đực.
Vì sao cũng là từ để hỏi, và vì sao ông lạc xứ thì đấy, có nhiều cách để hiểu sau khi xem vở diễn. Chữ lạc tôi dùng cũng có hàm ý, lạc xứ chứ không phải mất xứ, không phải tha hương gì cả. Tôi đã liệu trước được là cái tên này sẽ gây tranh cãi. Tuy nhiên, đây cũng là điều thú vị với tôi, bởi nếu vở diễn không tốt, người ta cũng không tranh cãi về cái tên làm gì cả.
Có ý kiến cho rằng anh và đạo diễn đã hư cấu quá nhiều hình tượng nhân vật Hồ Nguyên Trừng, nhất là ở cái kết. Rõ ràng sử chép là sau này ông làm quan cho triều Minh với chức tước cũng không nhỏ, nhưng ở vở diễn này thì hoàn toàn lại trái ngược?
Đọc nhiều tài liệu về Hồ Nguyên Trừng, nhất là từ sử Trung Hoa, tôi chỉ thấy chép là ông làm quan, thế thôi. Lâu nay, tôi không tin lắm vào những gì sử sách ghi chép lại. Thời mà những viên quan chép sử dám công tâm viết vua cướp ngôi như dù phải chết đến người cuối cùng qua lâu rồi, thay bằng thời của các sử gia lập lờ, chép sao cho ai muốn hiểu thế nào cũng được.
Tôi không thấy có chi tiết nào chứng tỏ sau này Hồ Nguyên Trừng phản bội lại dân tộc. Khi lạc ở xứ người, ông còn viết sách ca ngợi những anh hùng, danh nhân của nước Việt. Chi tiết ấy chứng tỏ ông nặng lòng với Tổ quốc vô cùng. Chính vì thế mà sau khi đọc, tôi không quan tâm nữa, chỉ lấy một hai cột mốc để treo những ý tưởng của mình lên. Một con người như Hồ Nguyên Trừng, với tôi, luôn là người yêu nước. Không phải tự nhiên mà ngày hôm nay, tên ông đã được đặt thành tên đường ở Huế và Đà Nẵng. Các nhà khoa học, các sử gia đã nhìn nhận lại về đóng góp của ông cũng như cha ông là Thượng hoàng Hồ Quý Ly. Chọn bối cảnh Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng bị bắt làm tù binh, để kể một câu chuyện về lòng yêu nước của người Việt, càng xa Tổ quốc càng đau đáu nỗi niềm.
Tác giả-nhà văn Nguyễn Toàn Thắng (trái) và đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên
Có thể coi “Vì sao lạc xứ” là một thể nghiệm trong bối cảnh nền sân khấu truyền thống đang ngày càng ít được quan tâm không, thưa anh?
Đúng là như vậy. Đây là vở diễn mà tôi và đạo diễn Triệu Trung Kiên đã làm việc với nhau khá kỹ về kịch bản. Tôi bàn với đạo diễn Triệu Trung Kiên, giờ mà viết theo lối thông thường thì rất chán, nhất là khi người ta quan niệm cải lương là rên rỉ sướt mướt. Với câu chuyện này, phải có kịch tính như chính số phận của Hồ Nguyên Trừng. Mà phải đuổi bắt trập trùng, liên tục, người xem mới thấy thú vị. Thế nên tôi viết với tiết tấu nhanh, dồn dập, tất nhiên vẫn để những chỗ lặng. Đó là lúc các bài ca được cất lên, làm đỉnh cho tâm trạng nhân vật, chuyển tải ngay cả những thông tin.
Thưa anh, câu chuyện tình của Hồ Nguyên Trừng với nữ gián điệp Vân Khanh hoàn toàn là hư cấu?
Xin hiểu cho rằng chúng tôi đang thực hiện một công trình nghệ thuật, chứ chúng tôi không minh hoạ lại lịch sử. Câu chuyện tình này không chỉ đơn giản là tình yêu, mà nó chứng tỏ thân phận của những con người nhỏ bé trong guồng quay của lịch sử. Họ yêu nhau trong sự nghi ngờ lẫn nhau vì mỗi người có một nhiệm vụ riêng, nhưng cuối cùng khi nhận ra rằng họ là tri kỷ của nhau thì số phận đã chia lìa nhau.
Vai Vân Khanh là một vai thuộc vào dạng rất khó thể hiện, bởi tính cách đa dạng, và luôn giằng xé. Vân Khanh bắt buộc phải đến với Hồ Nguyên Trừng để làm một vai tương tự “mỹ nhân kế” do cha mẹ cô bị triều đình nhà Minh bắt làm con tin, và vì thế cô phải thực hiện bằng được nhiệm vụ, và càng lúc, cô càng nảy sinh tình cảm với con người đặc biệt ưu tú này. Đây là mâu thuẫn để tạo ra xung đột kịch, và tôi cùng đạo diễn đã phải làm việc rất kỹ từ phân tích tâm lý, chuyển biến về tư tưởng của nhân vật.
Có vẻ như vở cải lương “Vì sao lạc xứ” này rất khác với những vở diễn anh đã từng viết kịch bản?
Mỗi kịch bản, với tôi, là một chặng đường mới và khác. Tôi luôn cố gắng làm mới chính mình, không đi theo lối mòn. Màu sắc của kịch bản “Vì sao lạc xứ” là rất nhiều lớp và rất phức tạp. Bi hùng và cũng rất tình ái, tôi hay nói với đạo diễn Triệu Trung Kiên là chất võ hiệp kỳ tình mà lại lấy ái quốc làm cảm hứng xuyên suốt, làm cho đạo diễn rất vất vả để bóc tách từng lớp ấy ra. Và tôi cho rằng sự thành công của vở diễn là đã kể được một câu chuyện về người anh hùng không gặp thời, kể được một câu chuyện tình gắn với vận mệnh của dân tộc, của lịch sử.
Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
Null