Báo cáo vĩ mô tiền tệ tháng 5 do WiResearch vừa công bố nhận định: Trong tháng 4/2024, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng nhẹ 0,5%/năm so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, WiResearch cũng cho rằng: Mặt bằng chung của lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy rằng thanh khoản ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào. Và lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong quý 2 năm nay.
Đối với kỳ hạn 3 tháng, NamABank giữ ngôi đầu bảng khi niêm yết mức lãi suất là 3,4%/năm. Còn tại Vietcombank và Agribank, lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ có 1,9%/năm, còn BIDV và Vietinbank là 2%/năm.
Kỳ hạn 6 tháng, CBBank áp dụng mức lãi suất cao nhất thị trường lên đến 4,7%/năm. Ngoài ra, có 14 ngân hàng khác neo lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 4 – 4,5%/năm. Còn lại đa số các ngân hàng chỉ đưa ra mức lãi suất từ 3%/năm đến 3,9%/năm.
Biên độ chênh lệch của kỳ hạn chủ chốt này dao động từ 0,2 – 1,7%/năm tuỳ thuộc vào từng ngân hàng.
Kỳ hạn 12 tháng, Oceanbank trở thành ngân hàng trả mức lãi suất cao nhất là 5,3%/năm, vị trí thứ hai là VietBank với 5,1%/năm, tiếp đến SaigonBank và NamABank cũng niêm yết ở mức lãi suất là 5%/năm.
Tại BIDV, Vietinbank và Agribank, lãi suất tiết kiệm một năm chỉ có 4,7%/năm, riêng Vietcombank là chỉ có mức lãi suất thấp nhất thị trường ở kỳ hạn này, chỉ có 4,6%/năm.
Người gửi 'chết lặng' vì lãi suất tiết kiệm
Chia sẻ với PLO, chị Ngọc Vân (TP.HCM) nói: "Lãi suất tiết kiệm đang đi lên, song vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với người gửi tiền".
Chị Vân tính toán: Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 11/2023, chị được hưởng lãi suất tiết kiệm là 9%/năm và nhận lãi cuối kỳ. Theo đó, với khoản tiền gửi 450 triệu đồng sau khi đáo hạn chị nhận lại gốc cộng thêm khoản tiền lãi là hơn 20,3 triệu đồng.
Sau này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đã giảm rất sâu, xuống còn 6%/năm. Do đó, cũng với số tiền gửi như trên, nhưng đến cuối kỳ chị chỉ nhận thêm được khoản lợi nhuận là gần 13,5 triệu đồng.
Đến hiện tại, dù lãi suất tiết kiệm đã ngừng rơi vào có xu hướng đảo chiều đi lên, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn. Bởi giờ đây, chọn kỳ hạn 6 tháng thì lãi suất “hấp dẫn” nhất thị trường cũng chỉ còn 4,8%/năm.
Tức là nếu vẫn tiếp tục đem gửi số tiền này thì nửa năm sau chị chỉ nhận về 10,8 triệu đồng. Như vậy, so với một năm trước đây, khoản tiết kiệm của chị đã bị giảm tới 50% tiền lời.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay nếu rút ra mua vàng thì chị có thể lời đến từ 20-25%/năm. Mức lợi nhuận từ vàng đang cao hơn kênh gửi tiền từ 4/8 lần tuỳ kỳ hạn và tuỳ ngân hàng.
"Mặc dù lãi suất của ngân hàng không còn hấp dẫn như trước, nhưng nếu rút ra toàn bộ mua vàng thì sẽ vô cùng rủi ro. Chính vì vậy, tôi vẫn giữ lại một phần để gửi ngân hàng và rút bớt một phần nhỏ để mua vàng.
Tất nhiên, không phải cứ rút tiền là đi mua vàng ngay mà cũng cần phải “nhắm nhắm” thời điểm nào giá vàng điều chỉnh giảm thì mua vào một ít. Đây vừa kênh đầu tư chống lạm phát hiệu quả và giúp tôi kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh giá vàng đang ngày một tăng cao hơn”, chị Ngọc Vân nói.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 1 năm nay, lượng tiền gửi của tổ chức và cư dân cùng giảm so với cuối năm ngoái. Cụ thể, tiền gửi của cư dân trong tháng 1/2024 tại hệ thống các ngân hàng thương mại giảm 34.673 tỉ đồng so với cuối tháng 12/2023. Trong khi đó, cùng thời điểm này, lượng tiền gửi của khách hàng tổ chức lại giảm sâu tới 165.189 tỉ đồng.
Số liệu trên cho thấy, lượng tiền mà các tổ chức kinh tế rút ra khỏi các ngân hàng cao gấp gần 5 lần so với lượng tiền của người dân rút ra khỏi hệ thống.
Nhận định về lãi suất trong thời gian tới, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: "Lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động sau khi đã chạm sàn thì giờ đây sẽ khó có khả năng được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm thêm nữa. Thậm chí, vào những tháng cuối năm nay khi cầu tín dụng tăng trở lại thì lãi suất cũng sẽ có xu hướng nhích dần lên".