Hầu hết các vụ bắt giữ ngà voi, vảy tê tê quy mô lớn vận chuyển trái phép vào Việt Nam đều được lực lượng Hải quan thực hiện trên tuyến đường biển.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), các tuyến đường biển, cảng sông quốc tế trọng điểm về vấn nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu… Điều này xuất phát từ lưu lượng hàng hóa qua các khu vực cảng biển này lớn nên dễ bị đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng nhập khẩu có điều kiện…
Hàng hóa vi phạm chủ yếu là xăng dầu; gỗ; động, thực vật và sản phẩm động, thực vật hoang dã; hàng điện tử; lá Khat; khoáng sản; mỹ phẩm; hàng tiêu dùng…
Đối tượng có nguy cơ vi phạm cao là doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng trị giá lớn, thuế suất cao; doanh nghiệp vừa là đại lý của hãng tàu và kinh doanh vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quạn…
Cập nhật trong 6 tháng đầu năm, riêng tuyến đường biển, cảng sông quốc tế lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ 4.532 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm gần 299 tỷ đồng, tăng 0,8% về số vụ và 1,51% về trị giá hàng vi phạm so với cùng kỳ 2018.
Đáng chú ý, trong 3 tuyến trọng điểm (đường biển, cảng sông quốc tế; biên giới đường bộ; hàng không, bưu điện), đường biển, cảng sông quốc tế là tuyến có số lượng vụ vi phạm được bắt giữ, xử lý nhiều nhất, chiếm gần 51% tổng số vụ của toàn Ngành.
Đặc biệt, riêng Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì và phối hợp bắt giữ hàng chục tấn ngà voi, vảy tê tê được vận chuyển về Việt Nam từ đường biển.
Trong đó, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1) tham gia (chủ trì và phối hợp) bắt giữ hơn 11,2 tấn vảy tê tê; 632,5 kg ngà voi.
Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Đội 2) phối hợp bắt giữ 9,1 tấn ngà voi.
BBĐVHD, ngà voi, vảy tê tê