Biến đổi khí hậu khiến động vật ở Nam Cực "điêu đứng"
Chim cánh cụt được biết đến như là một trong những sinh vật dẻo dai và khả năng sinh tồn tốt nhất trên trái đất.
Song giờ đây loài này cũng đã phải chịu tác động khủng khiếp của sự nóng lên toàn cầu. Trước đó, chim cánh cụt Adelie sống rất… “khỏe” ở vùng Nam Cực, chúng rất thích ăn những con krill - một loài giáp xác giống như những con tôm nhỏ, song số lượng krill ngày càng suy kiệt do bị tàu cá đánh bắt.
Thế nhưng nhóm các nhà khoa học Pháp, do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tài trợ, nghiên cứu đàn chim cánh cụt Adelie 40.000 con ở Đông Nam Cực từ năm 2010 và phát hiện, cho đên nay chỉ có hai con non sống sót sau mùa sinh sản.
Một cuộc họp của Ủy ban Bảo tồn sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) đã được đưa ra nhằm giải cứu các loài sinh vật Nam Cực (Ảnh: Infonet)
Nguyên nhân là biến đổi khí hậu khiến băng biển mở rộng, các cặp chim cánh cụt phải đi xa hơn để tìm thức ăn và việc chờ đợi quá lâu khiến chim non lần lượt chết đói.
Những thay đổi về môi trường này liên quan tới tảng băng trôi tách ra từ sông băng Mertz năm 2010, theo nhà khoa học Yan Ropert-Coudert tại trạm nghiên cứu Dumont D’Urville.
"Nhưng cũng còn các yếu tố khác nữa. Đó là ảnh hưởng kết hợp từ nhiệt độ, hướng và sức gió, cộng thêm việc không có hố băng (vùng nước biển không bị đóng băng) nào ở phía trước bầy chim cánh cụt", Ropert-Coudert bổ sung.
Giải pháp nào cho những chú chim cánh cụt con trong tình hình biến đổi khí hậu?
Không chỉ riêng chim cánh cụt, cũng trong tháng 10 năm ngoái, một cuộc họp của Ủy ban Bảo tồn sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) đã được đưa ra nhằm giải cứu các loài sinh vật Nam Cực.
Hội nghị CCAMLR đã quyết định lập khu vực bảo tồn biển lớn nhất thế giới diện tích hơn 1,55 triệu km2 ở biển Ross, Nam Cực. Dự định, các nhà khoa học sẽ thành lập một khu vực tương tự ở Đông Nam Cực với diện tích khoảng 1 triệu km2, trên phạm vi có nhiều chim cánh cụt bị chết.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hai yếu tố địa chất ổn định gồm địa hình ở Nam Cực và độ sâu của đại dương xung quanh ảnh hưởng đến gió và các dòng hải lưu. Những yếu tố này tác động đến việc hình thành lớp vỏ băng ở biển Nam Cực và giúp duy trì nó.
Hằng năm, băng ở đại dương mở rộng tối đa xung quanh các lục địa đóng băng vào tháng 9 và thường rút khoảng 17% vào tháng 2.
Song cũng theo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) năm ngoái, băng ở Nam Cực đang dày lên, đủ để bù lại phần mất đi do các sông băng tan chảy.
-> 10 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu (1)