Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) đã thu giữ hàng ngàn động vật thuộc nhóm nguy cấp trong Chiến dịch Thunderball được tiến hành ở 109 quốc gia.
Theo WCO, vào tháng 6, hai cơ quan đã tiến hành 1.828 vụ bắt giữ trong một hoạt động hợp tác lịch sử, với “kết quả ban đầu là 600 nghi phạm bị bắt giữ trên toàn thế giới. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn”.
Kết quả của chiến dịch Thunderball gồm 23 cá thể linh trưởng còn sống, 30 cá thể mèo lớn, 440 miếng ngà và hơn 500 kg ngà voi, 5 chiếc sừng tê giác, hơn 4.300 cá thể chim, gần 1.500 cá thể bò sát và gần 10.000 cá thể rùa, 2.550 m3 gỗ (tương đương 74 xe tải) cùng gần 10.000 món đồ làm từ động vật biển hoang dã…
Trong số các bộ phận động vật hoang dã bị bắt giữ còn hơn 500 kg bộ phận tê tê đựng trong 7 kiện hàng ở Nigeria và được cho là sẽ chuyển tới châu Á.
“Đây là dấu mốc. Lần đầu tiên một mạng lưới chung lớn như vậy được huy động – tại 109 quốc gia. Thứ chúng ta còn thiếu trong việc giải quyết tội phạm động vật hoang dã là một mạng lưới phối hợp và đây là những gì chúng ta có”, chuyên gia về động vật hoang dã của INTER Henry Fournel hồ hởi.
Tổng thư ký INTERPOL Juergen Stock cho biết trong một tuyên bố rằng “tội phạm động vật hoang dã không chỉ tước đoạt tài nguyên khỏi môi trường của chúng ta mà còn gây tác động thông qua bạo lực, rửa tiền và lừa đảo”.
WCO lưu ý tội phạm động vật hoang dã đang gia tăng và liên kết chặt chẽ với tội phạm có tổ chức.
Phó Chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) Susan Lieberman nói rằng WCS hoan nghênh chiến dịch nhưng công việc không dừng lại ở đây.
“Phá vỡ hàng loạt các mạng lưới tội phạm là chìa khóa để cứu động vật hoang dã đang bị đe dọa trên toàn cầu. Nhưng các vụ bắt giữ chỉ là bước đầu tiên, tiếp theo đây các chính phủ phải thực hiện các vụ truy tố quyết liệt để những tên tội phạm điều hành các mạng này cảm nhận được toàn bộ sức mạnh của luật pháp, bao gồm các hình phạt mang tính răn đe và án tù”.
Nhật Anh (Theo Treehugger)
BBĐVHD, tội phạm ĐVHD