“Mặc dù là điểm đến du lịch hấp dẫn của châu Á nhưng đối với nhiều khách du lịch, Việt Nam vẫn còn là nơi có thể mua được sản phẩm làm từ động vật hoang dã để làm quà lưu niệm”, WWF cảnh báo như vậy tại hội thảo “Bảo tồn các loài hoang dã và Du lịch có trách nhiệm” diễn ra ngày 30.7 tại Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên một hội thảo đề cập về vai trò của ngành Du lịch đối với bảo tồn động vật hoang dã do Tổng cục Du lịch (TCDL), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam và tổ chức Kiểm soát động vật hoang dã xuyên quốc gia (TRAFFIC) tổ chức.
Sản phẩm từ động vật hoang dã được bày bán công khai
Hàng trăm diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp, báo chí… và các bên liên quan đã chia sẻ, đóng góp sáng kiến chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã, thông qua các hoạt động du lịch có trách nhiệm, đồng thời khuyến khích các cá nhân và tổ chức trong ngành Du lịch tích cực tham gia bảo vệ các loài hoang dã của Việt Nam và trên thế giới.
WWF và TRAFFIC nhấn mạnh, ở nhiều cửa hàng lưu niệm trên bãi biển cũng như trong thành phố, từ chợ đêm cho tới các chợ lớn ở trung tâm xuất hiện nanh, vuốt của hổ, gấu, sư tử; sản phẩm từ ngà voi và mai đồi mồi như vòng tay, vòng cổ, ấn, lược, nhẫn, trâm cài tóc, vảy tê tê… là những thứ hàng được bày bán công khai.
Các món đặc sản thịt thú rừng cũng được quảng cáo, mời chào nhiệt tình, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của khách. Trong khi đó, phần lớn khách du lịch từ các nước láng giềng đến Việt Nam ở phân khúc du lịch thấp, không mang lại giá trị kinh tế cao và tiềm ẩn rủi ro về pháp lý trong việc sử dụng các loài hoang dã được pháp luật Việt Nam và quốc tế bảo vệ.
Khách du lịch được cung cấp thụ động hoặc chủ động các sản phẩm từ động vật hoang dã. Nhiều người trong số khách du lịch đó còn sử dụng những sản phẩm này một cách mãn nguyện để thể hiện đẳng cấp, sở thích và phô trương sức mạnh của mình.
7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tạo hàng triệu việc làm, đóng góp không nhỏ vào GDP của đất nước, có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai. Thế nhưng, làm thế nào để sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch không gây ra những tác động tiêu cực cho thiên nhiên, đặc biệt đối với sự suy giảm của các loài động vật hoang dã?
Thay đổi cách làm du lịch để bảo tồn.
Có thể nhận thấy, ở Việt Nam vai trò của ngành Du lịch trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch khá rõ ràng, đáng ghi nhận nhưng việc bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ môi trường lại chưa thực sự tốt.
Trong khi đó, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã ra tuyên bố Buenos Aires năm 2018 để công nhận mối liên hệ bất hợp pháp giữa buôn bán động vật hoang dã và du lịch.
Tuyên bố này khẳng định không khoan nhượng với những hành vi buôn bán động vật hoang dã, không bán sản phẩm từ động vật hoang dã, đào tạo nhân viên nhận diện sản phẩm bất hợp pháp, bảo tồn động vật hoang dã và quan tâm đến vấn đề buôn bán động vật xuyên quốc gia…
Việc khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã đã được xác định là vấn nạn toàn cầu. Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNDOC) ghi nhận trong giai đoạn 1998- 2007 có 164.000 vụ buôn bán động vật hoang dã bị bắt giữ tại 120 quốc gia trên thế giới, với gần 7.000 loài hoang dã bị tịch thu.
Quy mô và tầm quan trọng của thị trường buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã đã phát triển lớn đến nỗi doanh thu của nó hiện nằm trong số các nguồn tài sản bất hợp pháp hàng đầu thế giới.
Ước tính, việc buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã có trị giá từ 7- 19 tỉ USD mỗi năm và trở thành 1 trong 5 ngành buôn bán trái phép có lợi nhuận cao nhất trên thế giới sau ma túy, vũ khí, hàng giả và buôn bán người.
Để thể hiện quyết tâm của mình trong bảo tồn các loài quý hiếm, năm 2017 Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm bán ngà voi trong nước.
Quyết định này là một thành công lớn cho công tác bảo tồn voi trên thế giới bởi Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ các loài hoang dã lớn nhất toàn cầu, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác. Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng dồn áp lực cho những quốc gia láng giềng-nơi đang là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc, quen mua những sản phẩm làm từ ngà voi, những vật phẩm được cho là tượng trưng cho sức mạnh và sự giàu có trong nền văn hóa ngàn đời nay của họ.
Tại Hội thảo, việc bảo tồn loài voi ở Việt Nam hiện nay được đề xuất là đóng cửa các thị trường ngà voi. Đồng thời với việc tạo điều kiện để cộng đồng dân cư sinh kế trên hệ sinh thái của họ, tạo thu nhập nhưng vẫn bảo vệ môi trường.
Ví dụ, ở Tây Nguyên, thay vì cho khách du lịch cưỡi voi xuyên rừng hoặc trong thành phố thì nên tạo ra khu bảo tồn voi, để khách du lịch có thể đến đó tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc sống của loài voi ở môi trường tự nhiên.
Nhiều giải pháp khác cũng được đưa ra trong đó có việc đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi buôn bán, giết hại động vật hoang dã, tiêu thụ sản phẩm được làm từ động vật hoang dã; nâng cao ý thức của doanh nghiệp du lịch, khách du lịch, cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Bảo tồn ĐVHD, BBĐVHD, du lịch, Voi