Moitruong.net.vn
– Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm. Trong khi đó, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống… đã và đang đe dọa đến an ninh nguồn nước.
Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cần có những giải pháp quản lý an ninh nước hướng tới phát triển bền vững.
Khan hiếm nước ngày càng trầm trọng
Theo các chuyên gia tài nguyên nước, hiện thách thức lớn nhất đối với quản trị an ninh nước ở Việt Nam chính là mức độ tăng trưởng dân số, bởi đối sánh với mức độ nước đang có Việt Nam ngày càng thiếu hụt về nước, nhu cầu sử dụng nước đang tăng so với nguồn cung về nước. Tính khan hiếm về nước ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt ở những khu vực dễ bị tổn thương như Đồng bằng sông Cửu Long.
Thách thức nữa là hầu hết những tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra thông qua hình thức về nước. Nhu cầu về nước sẽ tăng lên ở hầu hết các lưu vực sông của Việt Nam; sự cạn kiệt nước ở khu vực sông hồ cũng gây ra những tác động khác nhau về mặt nguồn nước. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro thiên tai giữa mùa cạn và mùa lũ so với các nước láng giềng, năng lượng dự trữ của Việt Nam còn thấp. Trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục và biến đổi khí hậu sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nay đã phải đối mặt với nạn hạn hán Ảnh: NLĐ
Suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhất là trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ngoài nguyên nhân khách quan do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, do điều kiện khí hậu, thủy văn, do tác động của BĐKH, còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm…
Nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130 – 150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.
Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô. Chất lượng môi trường nước đang kém dần đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng nghèo sống phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên…
Mặc dù, tài nguyên nước mưa dao động ở mức trung bình, nhưng tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những lưu vực sông chính nước ta, như sông Hồng, sông Đồng Nai – sông Sài Gòn, sông Srepok, sông Sê San, sông Ba, sông Vu Gia – sông Thu Bồn và một số sông khác, phổ biến thấp hơn trung bình, có nơi thấp hơn khá nhiều. Hiện trạng suy giảm nguồn nước mặt trong mùa khô những năm qua khi Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của BĐKH đã diễn ra ở hạ lưu nhiều hồ chứa khá phổ biến ở đa số các lưu vực sông. Khan hiếm nước do nguồn nước ở hạ lưu các sông suy giảm lại bị tác động mạnh của nước thải ô nhiễm, của xâm nhập mặn làm cho việc cấp nước sinh hoạt, cho sản xuất gặp những bất trắc lớn ở hạ du các lưu vực sông trong mấy năm gần đây.
Khai thác và sử dụng thiếu bền vững
Để bảo đảm sự bền vững về tài nguyên nước, mức khai thác không được vượt ngưỡng 30% nguồn nước, nhưng ở hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 30 – 50% lượng dòng chảy. Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt là việc xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, nhất là thủy điện kiểu đường dẫn, kiểu các công trình đập chặn hoàn toàn dòng chảy sông với việc quy hoạch, xây dựng và quản lý vận hành bất hợp lý cũng là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: sông Hồng, sông Đồng Nai – sông Sài Gòn, sông Vu Gia – sông Thu Bồn, sông Ba, sông Srepok… và trên nhiều sông vừa và nhỏ khác.
Toàn cảnh khu vực nhà máy nước sông Đà – tâm điểm của sự cố xả dầu thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Do tập quán, thói quen sản xuất, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước, lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi, có khi trên phạm vi cả nước. Việc sử dụng nước thiếu quy hoạch, chưa hiệu quả, chưa hợp lý, chưa tiết kiệm trong khi nhu cầu dùng nước ngày một tăng nhanh do phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời, với việc xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm các nguồn nước càng làm giảm rõ rệt khả năng đáp ứng nhu cầu nước sạch vào mùa khô.
Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ cạn kiệt vào mùa khô; nhiều con sông, đoạn sông đang “chết” dần vì ô nhiễm, cạn kiệt ở hạ lưu sông do các công trình thủy điện, thủy lợi trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm do khai thác quá mức, buông lỏng quản lý nhất.
Tăng trưởng nhanh dẫn đến gia tăng nhu cầu về nước, lại không chú ý đúng mức đến bảo vệ môi trường, xử lý nước thải (chỉ trong chục năm gần đây, lượng nước thải tăng lên gấp hơn 3 lần ở các khu đô thị, khu công nghiệp, song lại không được xử lý mà xả trực tiếp vào nguồn nước), chất thải các loại tạo nên các nguồn ô nhiễm lớn, thường xuyên, làm ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng các nguồn nước, làm cạn kiệt nguồn nước sạch.
Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang là chuyện “nhãn tiền” ở khắp nơi và ngày một nghiêm trọng, lan rộng hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sản xuất. “Thủ phạm” gây ô nhiễm chính là nguồn nước thải khổng lồ chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu không ngừng đổ vào các sông, hồ từ các đô thị, cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, từ khai thác khoáng sản…
Năm 2019, sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải đã thực sự bùng phát thành cuộc khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội. Trước thông tin này, người dân tỏ ra vô cùng hoang mang. Vì họ đã và đang sử dụng người nước ô nhiễm, nguồn nước nhiễm dầu và câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm sau vụ việc này?
Bên cạnh đó, với tốc độ xâm nhập mặn hiện nay, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỉ USD.
Chính vì vậy, đản bảo an ninh nguồn nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
Minh Anh