Trong bài tham luận tại hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải tổ chức vào tháng 8 tại TP.HCM vừa qua, ông Laurent Umans – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan đưa ra thông tin rằng mặt đất TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ khoảng 7cm mỗi năm và tăng dần qua từng năm.
“Đây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là vấn đề mà còn là mối đe dọa hiện hữu với thành phố và người dân. Sự tồn tại của thành phố đang bị đe dọa. Theo dự báo, khoảng 30 năm, 50 năm hay 100 năm nữa, một phần lớn thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy” – ông Umans cho hay.
Theo ông Umans, có ba vấn đề liên quan đến nguồn nước. Thứ nhất là biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng, dù chỉ vài mm mỗi năm nhưng về lâu dài đây là vấn đề rất đáng kể. Thứ hai là vấn đề sụt lún và thứ ba là mực nước ngầm giảm.
Ông đề nghị cần tiếp cận vấn đề của thành phố như với một cơ thể sống – có thể như một con rồng: đôi khi thông minh, đôi khi ngu ngốc, đôi khi sáng tạo nhưng cũng có những khi phá hoại.
Trong khoảng từ 30 - 100 năm tới, phần lớn diện tích của TP.HCM sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy (ảnh: Báo Công an)
Lấy ví dụ về Hà Lan, ông Umans cho biết, đất nước ông đã phát triển các cách quản lý để đảm bảo các thành phố và cả vùng đồng bằng “có khả năng chống chọi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không thể dự báo”.
Theo Đại sứ Hà Lan, khó khăn, thách thức của TP.HCM là tình trạng ngập nước nghiêm trọng. Việc khai thác nước ngầm dẫn đến tình trạng sụt lún. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là vấn đề khiến lượng mưa nhiều, vũ lượng tăng lên dù thời gian mưa ngắn, dẫn đến tình trạng ngập úng.
Vì vậy, TP.HCM cần có giải pháp ngăn ngừa để không còn tình trạng sụt lún. Đồng thời, thành phố cần có giải pháp triệt để nhằm không làm ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước và giảm nhanh việc khai thác các mạch nước ngầm, đầu tư để đảm bảo thành phố không phát triển về hướng biển.
-> Vùng đất kì lạ phải hứng chịu 1,2 triệu tia sét giáng xuống mỗi năm
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề nhức nhối đối với toàn nhân loại (nguồn: VTC14)