Vùng áp thấp suy yếu nhưng mưa lớn vẫn tiếp diễn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều nay (23/7), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 2) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Lạng Sơn-Quảng Ninh.
Hồi 13 giờ, vị trí vùng áp thấp ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.
Vùng áp thấp của bão số 2 chiều nay suy yếu dần nhưng hoàn lưu mưa ở nhiều khu vực vẫn rất lớn.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, tình hình mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc; gió mạnh và sóng lớn ở các các vùng biển phía Nam còn phức tạp. Cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo mưa lớn và tin thời tiết nguy hiểm trên biển tiếp theo.
Hiện nay, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận đang có mưa vừa đến mưa to. Dự báo trong 3 đến 6 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 30- 60mm, có nơi trên 80mm.
Cảnh báo, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 15-30cm; Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30-50cm bao gồm:
Tây Hồ: Thụy Khuê (Chu Văn An-Dốc La Pho), Trích Sài, Âu Cơ...
Ba Đình: Cao Bá Quát (đoạn trước Cty Môi trường đô thị Hà Nội); đường Đội Cấn, Đào Tấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát…Hai Bà Trưng, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Vân Hồ, Nguyễn Công Trứ, Ngã 5 Bà Triệu, Lò Đúc...
Hoàn Kiếm: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành -Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài, Quang Trung, Nguyễn Hữu Huân...Đống Đa Hầm Kim Liên, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng...
Cầu Giấy: Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Nam Trung Yên, Hoa Bằng...
Nam Từ Liêm: Ngã ba Lê Trọng Tấn - hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long, hầm chui đường sắt Tây Mỗ, Trần Bình, Mỹ Đình, Bến xe Mỹ Đình, Đỗ Đức Dục...
Bắc Từ Liêm: Đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Tân Xuân – Xuân Đỉnh... Hà Đông Mỗ Lao, khu đô thị Văn Phú, Lê Trọng Tấn, ngã 3 Quang Trung - Phan Đình Giót, bến xe Yên Nghĩa...
Hoàng Mai: Giải Phóng, Tân Mai, Nguyễn Xiển, Nguyễn Chính, Trương Định, Linh Đàm, Lĩnh Nam...
Thanh Xuân: Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Định Công, Ngõ 192 Lê Trọng Tấn…
Long Biên: Phố Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Gia Thụy, gầm Cầu Chui...
Chủ động ứng phó với mưa lớn sau bão
Ngày 23/7, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn đầu đang đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại tỉnh Quảng Ninh. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; tại Cửa Ông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Gió bão đã làm 1 tàu xi măng dưới 15m, 1 xuồng cao tốc nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu trên đảo Cô Tô.
Dự báo ngày 23-24/7, Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị.
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra tình hình mưa bão ở Quảng Ninh sáng 23/7.
Trên địa bàn TP Hạ Long, một số tuyến đường khu vực các phường: Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hải… xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ; cây xanh, bảng biển quảng cáo, cột điện đổ gây ảnh hưởng đến các phương tiện đi lại.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định: có 28 trọng điểm đê điều xung yếu (Quảng Ninh 2, Thái Bình 8, Hải Phòng 10, Nam Định 8).
Tiếp tục phòng chống áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu đối với tuyến biển, cần kiểm tra, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại bến; thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình. Không để người quay lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản khi chưa có bản tin cuối cùng về cơn bão; đảm bảo an toàn cho du khách còn lưu trú trên các đảo.
Đối với vùng đồng bằng, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển xung yếu hoặc đang thi công (2 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh và tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng). Kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Đối với miền núi phía Bắc, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn;
Bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông. Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.
Nguồn suckhoedoisong.vn
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/ap-thap-nhiet-doi-tan-dan-mua-lon-van-con-phuc-tap-169240723150436244.htm