Chỉ những xe đạt tiêu chuẩn khí thải mới được lưu thông vùng phát thải thấp
Sau một tuần lấy ý kiến người dân vào dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ), UBND TP Hà Nội vừa đưa ra dự thảo lần hai với những quy định cụ thể hơn.
Dự thảo mới đưa ra 6 tiêu chí để xác định các khu vực hạn chế phát thải, bao gồm toàn bộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế phát thải theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đó là các khu dân cư tập trung tại 12 quận hiện nay: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông. 5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020-2025 là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Hà Nội tiến tới cấm các loại xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải đi vào các quận nội thành.
Thứ hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông theo mức phục vụ của đường LOS từ D đến F. Theo tiêu chuẩn quốc gia về đường đô thị, mức phục vụ (LOS) là thước đo về chất lượng vận hành của dòng giao thông mà người điều khiển phương tiện và hành khách nhận biết được.
Mức phục vụ được chia làm 6 mức, theo thứ tự từ cao xuống thấp, được ký hiệu là A, B, C, D, E, F. Mức A là phương tiện giao thông lưu thông tốt, mức B có lượng xe lưu thông trên đường cao hơn, mức E phương tiện bắt đầu ùn ứ và mức F là tắc đường.
Ngoài ra, các khu vực có chất lượng không khí kém, đặc biệt là những nơi không đạt chuẩn quốc gia trong ít nhất một năm hoặc nơi có thể áp dụng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn và có sự đồng thuận cao từ người dân cũng sẽ được đưa vào danh sách. Các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Theo Luật Thủ đô, các khu vực hạn chế phát thải sẽ được áp dụng các biện pháp hạn chế giao thông phù hợp với từng địa phương. Việc lựa chọn và thực hiện các biện pháp này sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và đặc điểm riêng của mỗi khu vực.
Trước mắt dự thảo khuyến cáo các địa phương cấm lưu hành các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế có thu phí đối với các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định.
Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng LEZ.
Sẽ thí điểm ở Quận Hoàn Kiếm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Quận Hoàn Kiếm sẽ là khu vực đầu tiên được lựa chọn để tổ chức thí điểm vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan soạn thảo kế hoạch cho biết, hiện nay, quận Hoàn Kiếm có hạ tầng giao thông hoàn thiện, mật độ dân cư đông và hệ thống giao thông, biển báo đồng bộ. Đặc biệt, trên địa bàn lại có các tuyến phố đi bộ, phố cổ đang cấm hoàn toàn phương tiện giao thông vào cuối tuần. Do vậy, quận Hoàn Kiếm sẽ là khu vực được chọn để thí điểm vùng phát thải thấp.
"Khi quận Hoàn Kiếm được chọn để thực hiện thì không phải tất cả toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ hạn chế phương tiện giao thông đi vào, mà chính quyền quận sẽ lựa chọn ra một số khu vực có đủ điều kiện ví như xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ… để thực hiện vùng phát thải thấp, các khu vực còn lại phương tiện vẫn đi lại bình thường theo phương án tổ chức, phân luồng giao thông của thành phố" - đại diện Ban soạn thảo cho hay.
Cho ý kiến về những loại phương tiện nào sẽ bị hạn chế hoặc cấm vào vùng có phát thải thấp, đại diện Ban soạn thảo cho biết, hiện nay khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ đã cấm "cứng" các loại xe tải, xe đầu kéo, xe container, xe chở khách lớn đi vào, tiếp đó vào cuối tuần còn thực hiện cấm tuyệt đối phương tiện giao thông từ xe máy, ô tô con đến xe buýt… đi vào. Do vậy khi triển khai vùng phát thải thấp, dựa vào các tiêu chí đưa ra cơ quan thực hiện chỉ cần đề xuất và lắp đặt thêm các biển báo hạn chế phương tiện theo giờ, hoặc cấm các xe không vào vùng phát thải thấp.
Cụ thể, cùng với xe tải, xe đầu kéo, container đang bị cấm và có biển báo, khi thực hiện vùng phát thải thấp, cơ quan thực hiện chỉ cần có thêm các thông báo, biển báo hạn chế theo giờ, hoặc cấm các loại xe đang có mức xả thải cao, ví dụ như xe ô tô chạy dầu diesel, xe ô tô kinh doanh vận tải (taxi, xe hợp đồng…) có niên hạn khai thác trên 10 năm, xe máy cũ có niên hạn sử dụng lâu năm không đi vào vùng phát thải thấp. Thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải.
Việc xây dựng Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp nhằm để cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí. Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.
Tô Hội - Dương Tú
Nguồn uckhoedoisong.vn
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/12-quan-huyen-nao-o-ha-noi-se-han-che-o-to-xe-may-khong-dam-bao-tieu-chuan-khi-thai-169241101084333929.htm