Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện

27/09/2019 02:15

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đăng cai tổ chức Hội thảo chuyên đề khu vực ASEAN về tài chính toàn diện năm 2019 với chủ đề “Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện”. Tham dự Hội thảo có đại biểu từ các Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính, Cơ quan giám sát tài chính tiền tệ các nước ASEAN, các tổ chức tài chính quốc tế, các Đơn vị thuộc NHNN, các chi nhánh của NHNN, các Bộ ngành liên quan, các Hiệp hội và các tổ chức tài chính trong nước.

Trong khuôn khổ hợp tác tài chính tiền tệ ASEAN, các nước thành viên hàng năm luân phiên tổ chức Hội thảo chuyên đề khu vực ASEAN về tài chính toàn diện (Hội thảo) với các chủ đề thu hút sự quan tâm chung. Mục tiêu chính của Hội thảo lần này là nhằm quy tụ các nhà lập chính sách, tổ chức quốc tế và tổ chức dân sự có uy tín trong lĩnh vực tài chính toàn diện để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu chung về thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính của khu vực ASEAN. Đây cũng là diễn đàn dành cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các bên liên quan thảo luận về những thách thức mà phụ nữ đang phải đối mặt trong việc tiếp cận tài chính, kinh doanh và cùng nhau tìm ra các giải pháp chung để nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong xã hội.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định: “Hội thảo chuyên đề về tài chính toàn diện cũng là một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình này với rất nhiều chủ đề, nội dung hữu ích, mang tính thời sự đã được đưa ra thảo luận như tài chính toàn diện số, các sáng kiến tăng cường tài chính toàn diện như đại lý ngân hàng, tài chính vi mô, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính v.v., và tập trung vào các đối tượng mục tiêu, chưa được hoặc tiếp cận chưa đầy đủ với dịch vụ tài chính – ngân hàng như người nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương. Trong số đó, vấn đề bình đẳng giới về tiếp cận tài chính, đặc biệt là tăng cường vai trò và quyền của phụ nữ trong thúc đẩy tài chính toàn diện cũng đã được lồng ghép vào các chủ đề đưa ra thảo luận do đây vẫn là đối tượng yếu thế hơn so với nam giới trong tiếp cận tài chính.” 

Theo Findex 2017, tỷ lệ nữ giới toàn cầu có tài khoản tại tổ chức tài chính là 56%, thấp hơn 7% so với nam giới, trong khi đó chênh lệch này là 9% ở các nước đang phát triển và sự chênh lệch này không thay đổi từ cuộc điều tra năm 2011 và 2014 đến nay. 

“Đây là lý do tại sao NHNN Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các sáng kiến đổi mới về tài chính toàn diện” làm trọng tâm trao đổi tại Hội thảo năm nay nhằm tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ về những thách thức chính mà phụ nữ đang phải đối mặt trong tiếp cận tài chính và hoạt động kinh doanh, qua đó tìm ra định hướng, giải pháp hữu hiệu để phụ nữ, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, được thụ hưởng tối đa các lợi ích khi được tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng như đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Ngoài các nội dung trên, để quảng bá các thành tựu đạt được trong lĩnh vực tài chính vi mô vì sự phát triển của phụ nữ cũng như tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ tại Việt Nam còn có một số hoạt động bên lề Hội thảo như bố trí một số quầy triển lãm xung quanh khu vực tổ chức hội thảo để trưng bày sản phẩm tài chính vi mô dành cho phụ nữ, giới thiệu một số mô hình tài chính vi mô thành công đã giúp tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống tài chính.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện trên thế giới đã thu được những kết quả tích cực. Theo Findex 2017 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tiếp cận tài chính toàn cầu là 69%, tăng 7% so với năm 2014 và 18% so với năm 2011, trong đó, tại các nước đang phát triển, con số này tăng từ 54% năm 2014 lên 63% năm 2017. Kết quả đạt được đã giúp người dân và doanh nghiệp được sử dụng dịch vụ tài chính tốt hơn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện các chỉ số về tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo, và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Góp phần quan trọng vào kết quả đó, bên cạnh sự tham gia hỗ trợ và phối hợp tích cực của cộng đồng quốc tế, là nỗ lực không ngừng của từng quốc gia, từng khu vực, trong đó có cộng đồng ASEAN.

Tuy nhiên, dù đã có những thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, sẽ vẫn còn nhiều thách thức phải xử lý đặt ra cho cộng đồng quốc tế. Cũng theo Findex, khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành vẫn chưa được tiếp cận tài chính, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng về giới trong tiếp cận tài chính vẫn chưa được cải thiện so với số liệu từ các cuộc điều tra trước, mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính cho người dân còn chưa đầy đủ và có sự chênh lệnh, bên cạnh đó vẫn còn sự bất cập về khuôn khổ pháp lý cho giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đầu tư chưa đúng mức cho nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính và phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số. 

Hội thảo lần này xoay quanh thảo luận về vai trò quan trọng của tài chính toàn diện trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ; Các rào cản và thách thức đối với khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ; Giáo dục tài chính dành cho phụ nữ. Thông qua hội thảo, các đại biểu đưa ra những gợi ý chính sách nhằm giải quyết các hạn chế, thách thức và tăng cường việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua đổi mới tài chính toàn diện. Đồng thời nêu những tấm gương nữ doanh nhân lãnh đạo và các biện pháp hỗ trợ phụ nữ trong kinh doanh./.

M.P
Nguồn
Link bài gốc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM