Lâm Đồng: Siết chặt quản lý đất đai trong giai đoạn sáp nhập

03/07/2025 09:36

Lâm Đồng tăng cường kiểm tra, giám sát và siết chặt quản lý đất đai, cũng như các trường hợp xây dựng trái phép trong thời gian thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền và chuyển nhượng đất không đúng quy định.

Nhằm đảm bảo trật tự và ổn định trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung siết chặt công tác quản lý đất đai, xây dựng, đặc biệt tại những địa phương nằm trong diện sáp nhập. Thời gian qua, tại một số khu vực đã xuất hiện tình trạng lợi dụng lộ trình sáp nhập để phân lô, bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng không phép hoặc sai phép.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và chính quyền cấp huyện, cấp xã tăng cường kiểm tra hiện trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời tạm dừng tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ liên quan đến tách thửa, chuyển nhượng đất ở những khu vực nhạy cảm trong giai đoạn sáp nhập.

Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định pháp luật, tránh bị lợi dụng, tiếp tay cho sai phạm. Lực lượng thanh tra xây dựng, quản lý đất đai được bố trí thường trực, phối hợp chặt chẽ với công an, địa phương để giám sát tình hình.

Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng đất và xây dựng trong giai đoạn chuyển tiếp này không chỉ giúp ngăn ngừa phát sinh tranh chấp, sai phạm mà còn tạo nền tảng pháp lý và hành chính vững chắc cho quá trình tổ chức bộ máy mới sau sáp nhập, đảm bảo phát triển bền vững và đúng định hướng quy hoạch đô thị – nông thôn của tỉnh.

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. (Ảnh minh hoạ). 

Đáng chú ý, mới đây vào ngày 26/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo gửi đến các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, nhấn mạnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực trật tự xây dựng và đô thị.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai, buôn bán tự phát, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.

Lâm Đồng đang trong quá trình hoàn thiện việc sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025. Đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vi phạm nếu thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cấp chính quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện nếu để phát sinh vi phạm về trật tự xây dựng, đô thị, môi trường hoặc lấn chiếm đất công.

Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp. Báo cáo và đề xuất phương án cụ thể phải hoàn thành trước ngày 8/7/2025.

Cùng với đó, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện của các địa phương, bảo đảm công tác quản lý được thực hiện nghiêm túc, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, không để xảy ra "điểm nóng" trong thời gian chuyển tiếp.

Gần đây nhất, trong giai đoạn sắp xếp bộ máy chính quyền, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận những sai phạm nghiê trọng liên quan đến lĩnh vực đất đai. Cụ thể, ngày 6/6 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Thanh (61 tuổi, ngụ tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) để điều tra về các sai phạm liên quan đến đất đai tại Nông trường Chè - Cà phê Di Linh (huyện Di Linh).

Theo kết quả điều tra ban đầu, với vai trò là giám đốc công ty và chủ nhiều doanh nghiệp bất động sản, Lê Văn Thanh đã móc nối nhận các hợp đồng chuyển nhượng đất, biến đất công thành đất tư tại Nông trường Chè - Cà phê Di Linh.

Trước đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc và nơi ở của bị can tại các địa phương như huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh, TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt và tỉnh Ninh Thuận. Qua đó, thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu quan trọng liên quan đến vụ án; đồng thời thực hiện các biện pháp tố tụng để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc.

Lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng thường xuyên giám sát, kiểm tra thực tế quỹ đất trên địa bàn. (Ảnh: BLC). 

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Lê Văn Thanh là kết quả điều tra mở rộng liên quan đến vụ án “Vi phạm các quy định về đất đai” xảy ra tại các công ty, nông trường chè, dâu tằm mà Công an huyện Bảo Lâm (trước đây) từng điều tra.

Ngoài ra vào tháng 3/2025, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định thu hồi hơn 110ha đất của 3 doanh nghiệp do vi phạm Luật Đất đai. UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi đất đã cho thuê cho Doanh nghiệp tư nhân Trường Kỳ (TP Bảo Lộc), Công ty An Vương Đạ Huoai và Công ty TNHH Anh Đức.

Cụ thể thu hồi 93,1ha đất tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm mà Doanh nghiệp tư nhân Trường Kỳ đã thuê từ năm 2006. Lý do, doanh nghiệp này không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, vi phạm quy định về đất đai.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thu hồi 13,32ha đất tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), nơi Công ty TNHH Anh Đức thuê từ năm 2008. Lý do doanh nghiệp không tiếp tục thực hiện dự án, dẫn đến chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư.

Đối với Công ty An Vương Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng quyết định thu hồi 3,5ha đất đã cho thuê tại xã Madagui (huyện Đạ Huoai) từ năm 2019. Lý do doanh nghiệp không thực hiện đúng tiến độ gia hạn.

Siết chặt quản lý đất đai và trật tự xây dựng trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính tại Lâm Đồng là bước đi cần thiết, kịp thời và mang tính chiến lược nhằm đảm bảo sự ổn định và minh bạch trong công tác quản lý nhà nước. Thực tế cho thấy, thời điểm chuyển giao hành chính thường tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng do tâm lý trục lợi từ thông tin chưa rõ ràng, sự buông lỏng quản lý tạm thời hoặc lỗ hổng trong cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền. Việc Lâm Đồng chủ động tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển nhượng đất tại những khu vực sáp nhập, đồng thời tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm là động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng “lách luật”, đầu cơ đất đai, phá vỡ quy hoạch.

 

 

Tuấn Minh

Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/lam-dong-siet-chat-quan-ly-dat-dai-trong-giai-doan-sap-nhap.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di tích hồ Ba Bể

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể được triển khai nhằm hướng tới phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030 và trung tâm du lịch trọng điểm của toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ...

Nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ động vật hoang dã

Nâng cao nhận thức của người dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn động vật hoang dã. Thông qua các chương trình tuyên truyền, giáo dục và vận động, người dân trên cả nước sẽ từng bước thay đổi hành vi, chung tay bảo vệ các loài động vật quý hiếm, góp phần gìn giữ đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái.

Vì sao Thanh Hóa giàu tài nguyên nhưng vẫn khan hiếm vật liệu xây dựng?

Mặc dù có tiềm năng lớn về khoáng sản, Thanh Hóa lại đang đối mặt với nghịch lý: giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, nguồn cung thiếu hụt, nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ. Việc khai thác vượt công suất, vi phạm ranh giới, gây ô nhiễm môi trường, cùng áp lực từ nhu cầu thi công các dự án lớn đang khiến bức tranh khoáng sản của tỉnh lộ rõ nhiều gam màu xám.

Điện Biên: Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Điện Biên tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Các đơn vị khai thác được yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng tránh sạt lở, sự cố mỏ, góp phần giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng người lao động.