Nông nghiệp Thủ đô hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

27/07/2025 09:51

Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023, sau gần hai năm triển khai đã góp phần thúc đẩy các mô hình nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững. Nhiều mô hình “sản xuất thân thiện với môi trường”, các hoạt động triển khai hỗ trợ chế phẩm sinh học, công nghệ xử lý môi trường đã mang lại hiệu quả rõ nét, thay đổi cơ bản diện mạo ngành Nông nghiệp của Thủ đô. Đây cũng là động lực để Thủ đô tiếp tục tăng cường nguồn lực, triển khai chuyển đổi số và triển khai nhiều chính sách hợp lý hơn nữa trong thời gian tới để hướng đến phát triển toàn diện ngành Nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Nông nghiệp xanh đã cơ bản mang đến một phương thức tiếp cận mới trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến mục tiêu chính phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người.

Yếu tố then chốt của phương thức này là đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.

Mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất). Ảnh: Sơn Tùng
Theo định hướng này, Hà Nội đang triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp xanh và nông nghiệp bền vững, qua đó tạo ra những chuyển biến quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi tập quán canh tác của nông dân, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thay đổi từ nhận thức

Quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh là một thách thức lớn, đòi hỏi sự bền bỉ và quyết tâm mạnh mẽ từ phía chính quyền. Việc này cần được cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động phù hợp với từng địa phương, đồng thời cần sự chủ động thay đổi và cam kết thực hiện từ mỗi người dân. Để hỗ trợ quá trình này, các cơ quan chức năng thành phố đã tham mưu, xây dựng và triển khai nhiều chính sách quản lý, khai thác tài nguyên theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Thành phố đang triển khai chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố Hà Nội. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, người dân được hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng nhằm tạo phân bón hoặc làm thức ăn chăn nuôi, với mức hỗ trợ tối đa 1,2 triệu đồng/ha, không quá 2 lần mỗi năm và kéo dài trong 2 năm liên tiếp. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ một lần kinh phí mua thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (2 thùng/ha) và chi trả toàn bộ chi phí xử lý các loại bao bì này...

Sau một thời gian triển khai, tổng kinh phí thành phố dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong nông nghiệp đã vượt 28 tỷ đồng. Cụ thể, gần 10.000 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp phát; khoảng 4.800 ha rơm rạ tại các địa phương như Mê Linh, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây, đã được xử lý bằng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ công nghệ xử lý môi trường cho 85 cơ sở chăn nuôi và gần 1.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

Việc thay thế hoạt động đốt rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm và chuyển hóa thành phân bón hữu cơ đã giúp làm sạch đồng ruộng và còn góp phần bổ sung dinh dưỡng cho đất, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí phân bón và nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ áp dụng phương pháp này, tình trạng đốt rơm rạ đã giảm rõ rệt, qua đó cải thiện đáng kể chất lượng không khí, đặc biệt tại các vùng chuyên canh lúa.

Cùng với đó, nhiều địa phương khác như tại Mê Linh - Hà Nội (trước khi sáp nhập) đã thay đổi diện mạo khi mà tỷ lệ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã gần như được thu gom, xử lý triệt để đem lại chuyển biến tích cực cho môi trường. Người nông dân bắt đầu tiếp cận và áp dụng mô hình “sản xuất thân thiện với môi trường”, nhờ đó cảnh quan trên những cánh đồng ngày càng trở nên sạch sẽ, tươi đẹp hơn.

Để có được những thành công trong áp dụng mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật” có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cơ bản đó là việc thay đổi ý thức của người dân. Các địa phương đã chủ động nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường nông nghiệp thông qua các hoạt động tuyên truyền, cung cấp chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ, phụ phẩm sau thu hoạch, trang bị thùng chứa bao bì chuyên dụng cùng thiết bị tạo oxy trong nuôi trồng thủy sản.

Với sự quyết tâm, tạo các nguồn lực thuận lợi từ chính quyền, người nông dân cũng đã nhận ra các giá trị tốt đẹp từ môi trường nông nghiệp xanh, qua đó tự thay đổi ý thức trong việc thu gom, xử lý bao bì đúng quy định, góp phần giữ gìn môi trường canh tác xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, người dân đã học tập chuyển đổi dần với các mô hình, giải pháp thay đổi thói quen sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống bền vững trên chính địa phương mình.

Những kết quả đạt được cho thấy các chính sách của Thủ đô cho phát triển ngành Nông nghiệp không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, xanh.

Hướng đến triển khai trên diện rộng

Với những kết quả bước đầu đã đạt được, các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách theo đúng quy định. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường với vai trò đầu mối cũng đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách đến người dân thông qua các Hội nghị, Hội thảo và hoạt động truyền thông về nông nghiệp xanh tại địa bàn cơ sở.

Thành phố sẽ hỗ trợ mở rộng các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải và giảm phát thải khí nhà kính trên toàn bộ chuỗi sản xuất.

Thực tiễn cho thấy, các mô hình bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở việc tạo ra không gian “xanh”, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và mở ra cơ hội phát triển nền nông nghiệp an toàn, hiện đại. Việc chuyển đổi tư duy sản xuất từ “nhiều, nhanh” sang “bền vững, sạch”, từ lạm dụng vật tư nông nghiệp sang ứng dụng công nghệ sinh học là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Cánh đồng lúa không vỏ thuốc bảo vệ thực vật
 

Để các chính sách được triển khai hiệu quả và sát với thực tế, các địa phương trên địa bàn Thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các Sở, ngành liên quan nhằm tổ chức hỗ trợ phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.

Song song với đó, các địa phương cũng phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thu gom bao bì đúng quy cách, cũng như hướng dẫn áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi… nâng cao ý thức người dân thông qua từng hoạt động để chính người dân làm chủ công nghệ trên chính đồng ruộng của mình, qua đó tăng năng suất và bảo vệ môi trường của địa phương.

Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình và mở rộng quy mô trong năm 2025, Thành phố cũng đã bố trí thêm 35 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trong công tác xử lý môi trường trong lĩnh vực trồng trọt. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, dự kiến có 457 cơ sở tại các địa phương như Mỹ Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ... sẽ nhận được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng. Riêng trong nuôi trồng thủy sản, khoảng 1.054 ha tại các địa phương Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa... sẽ được hỗ trợ với tổng nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí xử lý môi trường trong lĩnh vực trồng trọt sẽ là động lực cho các địa phương, người nông dân có cơ sở thực hiện hiệu quả, chủ động và trách nhiệm hơn, từ đó tạo ra thói quen, nề nếp trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này cũng khẳng định giá trị hiệu quả đến từ chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường trong nông nghiệp của Hà Nội là vô cùng đúng đắn, từng bước mang lại “màu xanh” cho cánh đồng, đồng thời mở ra hy vọng về một nền nông nghiệp văn minh, bền vững - vì sức khỏe của cộng đồng hiện tại và các thế hệ tương lai.

Văn Chiến
Nguồn congnghiepmoitruong.vn/
Link bài gốc

https://congnghiepmoitruong.vn/nong-nghiep-thu-do-huong-den-bao-ve-moi-truong-va-phat-trien-ben-vung-15411.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM