Rạn san hô Great Barrier, thường được gọi là cấu trúc sống lớn nhất thế giới, trải dài 2.300km (1.400 dặm) và là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển đặc biệt. Tuy nhiên, các sự kiện tẩy trắng hàng loạt lặp đi lặp lại trong những năm qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực.
Trước thực trạng trên, các nhà khoa học cho biết việc loại bỏ có chọn lọc loài sao biển ăn san hô đã giúp gia tăng diện tích san hô tại phần lớn các khu vực được giám sát. Đáng chú ý, hiệu quả của việc kiểm soát sao biển gai không chỉ duy trì theo thời gian mà còn có xu hướng tăng lên, ngay cả khi các yếu tố môi trường xấu đi như nhiệt độ đại dương tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu.
Việc kiểm soát loài sao biển gai đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của san hô, trong đó có rạn san hô Great Barrier.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland sử dụng một mô hình hệ sinh thái chi tiết, bao phủ toàn bộ 3.806 rạn san hô dọc theo chiều dài 2.300 km của Rạn san hô Great Barrier, kết hợp với dữ liệu thực tế về các đợt bùng phát sao biển gai, nỗ lực kiểm soát và các điều kiện môi trường dự báo đến năm 2040.
Lợi ích của việc kiểm soát sao biển gai không chỉ giới hạn ở các rạn được xử lý trực tiếp, mà còn lan rộng đến các rạn san hô lân cận. Điều này là nhờ giảm sự phát tán ấu trùng sao biển gai và tăng cường sự phát tán ấu trùng san hô khỏe mạnh, hỗ trợ phục hồi trên phạm vi rộng.
Dù ghi nhận những tiến bộ đáng kể từ việc kiểm soát sao biển gai, nhưng nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là một phần trong nỗ lực bảo vệ rạn san hô. Để đảm bảo sự phục hồi bền vững, điều cần thiết hơn cả là cắt giảm lượng phát thải gây biến đổi khí hậu, qua đó giảm thiểu các tác động môi trường khiến san hô suy yếu.../.
Thùy Chi