Cứu thành công bé trai 5 tuổi tự thắt dây dải rút quần vào cổ

12/05/2025 08:51

Bé trai 5 tuổi tự thắt cổ mình do nghịch dây dải rút quần và những tai nạn như vậy không phải là hiếm gặp, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Bé trai 5 tuổi tự "thắt cổ" mình nguy kịch

Thông tin từ Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ mới đây đã xử trí và cấp cứu thành công trường hợp hi hữu do tai nạn trong sinh hoạt. Bé trai 5 tuổi (ở Thường Tín, Hà Nội) nghịch dải rút quần, tự cuốn “thắt cổ” treo mình trên dây mắc màn, nhập viện trong tình trạng tím tái, lơ mơ.

Bố bệnh nhi cho biết, cách vào viện 3 tiếng, trẻ cùng hai anh (8 tuổi và 11 tuổi) chơi, xem tivi với nhau trong một phòng riêng. Trích xuất camera từ lúc các con bước vào phòng đến lúc gia đình phát hiện khoảng 12 phút. Cũng theo hình ảnh camera ghi lại thì khi vào phòng riêng, cháu cầm theo một sợi dây dài khoảng 80cm.

Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhi.

Khi gia đình phát hiện, trẻ trong tình trạng dây dải rút quấn xung quanh cổ và treo mình trên dây mắc màn chăng ngang phòng, có dấu hiệu tím tái, khó thở. Gia đình có thổi ngạt, ép tim tại chỗ trong 5 phút thì trẻ tự thở trở lại, môi hồng, nhưng lơ mơ không tỉnh nên gia đình bắt taxi đưa con vào Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp - nơi tiếp nhận ban đầu, bệnh nhi lơ mơ và kích thích, nghi ngờ tổn thương não do “treo cổ” dù kết quả chụp chiếu sọ não, cột sống cổ bệnh nhi chưa có dấu hiệu bất thường. Các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Bạch Mai để theo dõi, đánh giá thêm tình hình.

Ngay trong ngày, bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai để tầm soát các nguy cơ tổn thương não, phù não, tăng áp lực nội sọ, suy tuần hoàn, hô hấp do thắt cổ, ngạt thở. Thời điểm tiếp nhận ở Trung tâm Nhi khoa, bệnh nhi hôn mê, bóp bóng qua nội khí quản, xuất huyết dạng chấm rải rác vùng đầu mặt và có vết lằn đường kính 0,5cm dài 25 cm ở vùng cổ trước.

Bệnh nhi nhanh chóng được cấp cứu và điều trị bằng phương pháp kỹ thuật cao “hạ thân nhiệt chỉ huy” (chủ động). Phương pháp này nhằm bảo vệ thần kinh, giảm thiểu các tổn thương não, các biến chứng tuần hoàn, hô hấp và tăng khả năng sống sót của người bệnh.

BSCKII. Doãn Phúc Hải - Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thân nhiệt của bệnh nhi được hạ nhanh xuống và kiểm soát duy trì ở mức 34°C, giảm tổn thương, tái tưới máu tại não, tăng tỉ lệ sống và hồi phục chức năng thần kinh.

Sau 72 giờ điều trị hạ thân nhiệt chủ động, bệnh nhi được nâng thân nhiệt, làm ấm trở lại về mức bình thường và duy trì theo dõi trong 48 giờ. Khi thân nhiệt trở lại bình thường, bệnh nhi tỉnh dần và được rút ống thở. Dấu hiệu sinh tồn ổn định, tri giác nhận thức tốt.

"Sau 5 ngày nằm viện, bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn. Kết quả chụp tim, phổi, MRI sọ não, cột sống cổ không thấy bất thường. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trẻ 5 tuổi tự “thắt cổ” mà chúng tôi bắt gặp", bác sĩ Doãn Phúc Hải nói.

Giảm thiểu nguy cơ tai nạn bằng cách nào?

Đây là lời cảnh báo nghiêm túc cho tất cả các gia đình có trẻ nhỏ. Những tai nạn như vậy không phải là hiếm gặp và hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Qua trường hợp này, TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai đưa ra khuyến cáo với các bậc phụ huynh để bảo vệ con em mình tránh những tai nạn hi hữu như trên:

1. Hạn chế hoặc loại bỏ các vật dụng có dây trong tầm với của trẻ nhỏ:

Không để trẻ chơi với dây rút quần áo, dây túi xách, dây rèm cửa, dây sạc điện thoại, dây tai nghe,...

Tránh mặc quần áo có dây rút dài, đặc biệt là ở vùng cổ áo hoặc mũ trùm đầu.

Hình ảnh vết dây thắt ở cổ bệnh nhi.
 

2. Giám sát trẻ chặt chẽ, đặc biệt trong độ tuổi mẫu giáo: Trẻ từ 2–6 tuổi rất hiếu động và chưa nhận thức được nguy hiểm từ các vật dụng xung quanh.

Tuyệt đối không để trẻ chơi một mình trong phòng có nhiều đồ vật tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

3. Giáo dục trẻ về nguy cơ khi chơi với dây: Không được quấn dây quanh cổ, không leo trèo với dây, không đùa nghịch khi có dây gần người.

4. Thiết kế môi trường sống an toàn

Buộc gọn hoặc loại bỏ dây kéo rèm, dây treo các vật dụng trong phòng bé.

Dùng các thiết bị bảo vệ hoặc cắt ngắn dây nếu không thể loại bỏ hoàn toàn.

5. Luôn sẵn sàng sơ cứu

Tìm hiểu các kỹ năng sơ cứu cơ bản để xử lý kịp thời nếu có tai nạn xảy ra, đặc biệt là kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng cảnh báo, đối với trẻ nhỏ, có rất nhiều các nguy cơ như nuốt phải dị vật, ngã chấn thương, điện giật, đuối nước do rơi xuống ao hồ, sông suối… nhất là dịp nghỉ hè đang tới gần, bố mẹ càng cần lưu ý cảnh giác hơn.

Nam Anh
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốc

https://giadinhonline.vn/cuu-thanh-cong-be-trai-5-tuoi-tu-that-day-dai-rut-quan-vao-co-d205962.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình Định: Tăng cường công tác kiểm soát, giám sát môi trường bảo đảm phát triển theo hướng bền vững

Các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề tại Bình Định đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và bảo tồn, phát huy giá trị các ngành nghề truyền thống của tỉnh. Tuy nhiên, các KCN, CCN và làng nghề cũng phát sinh những tác động đến môi trường, ảnh hưởng nhất định đến đời sống và sản xuất của các khu dân cư. Tỉnh Bình Định đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác kiểm soát, giám sát môi trường, bảo đảm phát triển theo hướng bền vững.

Nam Định: Ban hành phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

Nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển CTRSH từ hộ dân, điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển tại các xã, thị trấn và thành phố về Khu xử lý rác thải Mỹ Thành, đảm bảo không để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường, hình thành hệ thống quản lý khép kín, minh bạch và chuyên nghiệp, ngày 6/5/2025, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1285/QĐ-UBND phê duyệt phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh.

Thu hồi carbon từ đốt rác phát điện, giải pháp hứa hẹn cho nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những động thái tích cực trong việc nghiên cứu biến rác thải thành tài nguyên hướng đến thu hồi khí carbon để sản xuất nhiệt và điện đồng thời góp phần đáng kể vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.