Công nghệ biến vỏ trái cây thành phân bón hữu cơ

15/07/2025 20:29

Nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý phế phụ phẩm từ hoạt động chế biến trái cây cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH DTH Môi trường xanh đã nghiên cứu đưa ra quy trình, công nghệ, thiết bị để tạo ra nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp đưa vào vận hành dây chuyền xử lý phế phụ phẩm này.

Đồng Tháp là địa phương có vườn cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL, diện tích khoảng 200.000ha, sản lượng khoảng 3 triệu tấn. Ngoài tiêu thụ dạng ăn tươi, hoạt động chế biến trái cây đóng hộp, đông lạnh, sấy khô… được nhiều doanh nghiệp thực hiện để xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao.

Một số nhà máy chế biến trái cây tiêu biểu ở tỉnh Đồng Tháp có thể kể đến như Hùng Phát, Long Uyên, Cát Tường, Thabico, Rau quả Đồng Tháp… Đặc biệt, hàng chục doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã bóc tách cơm sầu riêng để xuất khẩu dưới dạng cơm sầu riêng đông lạnh phát sinh lượng lớn vỏ sầu riêng cần xử lý. Hiện nay, tỷ lệ phế/phụ phẩm trong chế biến xoài khoảng 40%, còn đối với sầu riêng là khoảng 50%. Theo ước tính, lượng phế/phụ phẩm từ hoạt động chế biến trái cây (như vỏ, hạt) khoảng gần 1.000 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị nào sử dụng thứ này để tái sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Dương Hoàng Hiếu với thiết bị xử lý vỏ trái cây - Ảnh: Bình Minh

Nhằm giải quyết bài toán cho vỏ trái cây, Ông Dương Hoàng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH DTH Môi trường xanh (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Đồng Tháp) đã lên ý tưởng đưa vào quy trình biến rác hữu cơ như vỏ xoài, vỏ sầu riêng… trở thành phân bón hữu cơ có ích cho nông nghiệp. Quá trình thực hiện sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đầu tư nhà máy xử lý vỏ, hạt trái cây trở thành dạng nguyên liệu thô để chúng không còn khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa thành phẩm ở giai đoạn 1 trở thành nguyên liệu phối trộn với một số nguyên liệu khác để trở thành phân bón hữu cơ phục vụ chuyên biệt cho từng loại cây trồng cụ thể như sầu riêng, mít, lúa, rau màu….

Nhà máy vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 - 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.

Hiện nay, nhà máy này đang vận hành thử nghiệm giai đoạn 1. Tổng vốn đầu tư nhà máy trên 15 tỉ đồng, trên diện tích hơn 1ha, với hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, có công suất thiết kế xử lý khoảng 100 tấn vỏ, hạt trái cây mỗi ngày.

Sản phẩm phân bón hữu cơ từ vỏ trái cây - Ảnh: Bình Minh

Sau khi tiếp nhận tại nguồn thải, rác sẽ được vận chuyển về khu tiếp nhận của nhà máy. Tại đây, chất thải từ vỏ trái cây được đưa qua khu xử lý vi sinh và tiếp tục trải qua các công đoạn nghiền, tách nước, sấy khô; sau đó được đưa ra nhà màng để ủ vi sinh khoảng 7 ngày. Cuối cùng, chúng sẽ được nghiền nát, trở thành dạng nguyên liệu tơi xốp, rất giàu dinh dưỡng và an toàn với môi trường, có thể dùng bón cho cây trồng, tuy nhiên cần được phối trộn thêm các nguyên liệu để phù hợp với từng loại cây trồng.

Giai đoạn 1 nhà máy đã xử lý vỏ các loại trái cây như xoài, sầu riêng, thanh long... góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trái cây tại tỉnh Đồng Tháp giải quyết vấn đề trước mắt là thu gom, xử lý rác thải đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường.

Trước mắt giai đoạn 1 sẽ tập trung xử lý những rác hữu cơ, vỏ trái cây để không còn gây ô nhiễm môi trường. Sau khi xử lý xong ở giai đoạn 2 thì có thể thương mại hóa để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp.

Phân bón hữu cơ vi sinh được ủ từ vỏ, hạt trái cây rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vỏ xoài, vỏ sầu riêng. Vỏ sầu riêng chứa khoảng 35% chất hữu cơ, cùng với đạm, lân, kali. Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp bà con tiết kiệm chi phí đáng kể, đồng thời mang lại hiệu quả bền vững cho cây trồng và môi trường. Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là quy trình công nghệ xử lý, ủ phân bón phải đảm bảo sạch mầm bệnh thì bón cho cây trồng mới đạt hiệu quả cao.

Phạm Kiên
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốc

https://congnghiepmoitruong.vn/cong-nghe-bien-vo-trai-cay-thanh-phan-bon-huu-co-15339.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đồng Nai bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp

Tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm và vi phạm về môi trường

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện việc trích kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn khác để tăng cường đầu tư cho các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường và thưởng cho người tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.