TP. HCM ưu tiên công nghệ sạch, thân thiện môi trường trong quy hoạch khu công nghiệp

08/07/2025 16:38

Hiện nay, TP. HCM ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, ít phát thải, góp phần phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng, tăng trưởng công nghiệp trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và áp lực môi trường ngày càng gia tăng, TP.HCM đang điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng bền vững hơn. Thay vì mở rộng diện tích theo mô hình truyền thống, thành phố tập trung quy hoạch các khu công nghiệp mới với định hướng ứng dụng công nghệ cao, sạch và thân thiện môi trường.

Các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải, giảm phát thải khí nhà kính được lồng ghép ngay từ khâu thiết kế hạ tầng kỹ thuật. Cùng với đó, TP.HCM ưu tiên thu hút các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động phổ thông, không gây ô nhiễm hoặc có khả năng kiểm soát ô nhiễm hiệu quả.

Việc chuyển hướng này không chỉ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Ngoài ra, thành phố cũng đang hoàn thiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng thời tăng cường giám sát môi trường nhằm bảo đảm các khu công nghiệp phát triển hiệu quả, không làm tổn hại đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức lại không gian công nghiệp theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060, hướng đến phát triển công nghệ cao, thân thiện môi trường. Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung phát triển 33 khu công nghiệp (KCN), 3 khu chế xuất (KCX) và 7 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 9.200-10.200 ha.

Các khu vực ưu tiên phát triển nằm dọc vành đai 3, tuyến tránh quốc lộ 22, cảng Hiệp Phước và các điểm kết nối giao thông thuận lợi. Thành phố cũng đặt mục tiêu hình thành mới và nâng cấp các khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 2.200-2.600 ha.

Nhiều khu công nghiệp hiện hữu sẽ được tái cấu trúc, chuyển đổi chức năng theo hướng hiện đại và bền vững. Điển hình, KCN Tân Tạo sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển dọc các tuyến Tên Lửa ( đường số 7 và Vành đai 2). Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại đây sẽ được chuyển đổi thành công viên cây xanh, thương mại dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao.

TP.HCM sẽ tập trung phát KCN, KCX với tổng diện tích khoảng 9.200-10.200 ha. 

Tương tự, KCN Tân Bình cũng được định hướng trở thành khu công nghiệp công nghệ cao, giảm dần các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chuyển đổi sang thương mại, dịch vụ, phục vụ dân cư. Các KCN Hiệp Phước  và KCX Tân Thuận sẽ phát triển mô hình công nghệ cao, logistics, tận dụng lợi thế kết nối cảng và giao thông, đồng thời kết nối với các trung tâm đô thị tại kênh Đôi, kênh Tẻ và khu vực Chợ Lớn để giảm áp lực cho khu trung tâm.

Phía Tây TPHCM sẽ phát triển các KCN Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai cùng các cụm công nghiệp khác, gắn với trung tâm logistics Tân Kiên, hệ thống đường sắt, ga hàng hóa và các trục giao thông quan trọng như Vành đai 3. Ở phía Bắc, thành phố sẽ phát triển thêm các KCN dọc Quốc lộ 22, Vành đai 3 và 4, đồng thời quy hoạch khu vực Bình Khánh trở thành khu đô thị hiện đại, đồng bộ với trung tâm đổi mới sáng tạo, KCN, cảng và trung tâm logistics – đóng vai trò cửa ngõ kết nối TPHCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) ở phía Nam.

TPHCM cũng định hướng quy hoạch 28 khu vực trọng điểm phát triển đô thị, trong đó 11 khu nằm ở phân vùng đô thị Thủ Đức, với tổng diện tích 20.000–22.000 ha. Các chức năng được ưu tiên phát triển tại đây gồm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo, du lịch và các chức năng đô thị khác để thu hút đầu tư, hình thành hệ sinh thái sáng tạo, công nghệ cao, đào tạo và sản xuất.

Mô hình khu công nghiệp mới sẽ tích hợp sản xuất, dịch vụ và lưu trú, phù hợp với xu hướng hiện đại, gia tăng kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững. Về định hướng không gian, đồ án tiếp tục phát triển TPHCM theo 4 hướng chính (Đông, Nam ra biển, Tây - Bắc và Tây - Tây Nam), kế thừa và bổ sung các hành lang phát triển gồm 5 trục Đông–Tây và 4 trục Bắc - Nam.

TP.HCM khai thác, phát triển theo 4 hướng chính. (Ảnh minh hoạ).

Các trục Bắc - Nam đáng chú ý gồm ven sông Sài Gòn - Huỳnh Tấn Phát, Quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ, đường tỉnh 743 - Vành đai 2 - Nguyễn Lương Bằng và trục động lực phía Tây Cần Giờ.

Các trục Đông - Tây sẽ khai thác các tuyến như Quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thị Tú nối dài, Võ Nguyên Giáp - Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Nguyễn Văn Linh - cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ngoài ra, thành phố hình thành hành lang phát triển ven sông Sài Gòn, biến không gian hai bên sông thành điểm nhấn đô thị đặc sắc và hành lang kinh tế ven biển kết nối rừng ngập mặn Cần Giờ, các trung tâm du lịch, cảng biển và các tỉnh lân cận.

Về nhà ở, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt chỉ tiêu diện tích sàn 27-30 m²/người, đến năm 2040 đạt 30-32 m²/người. Thành phố sẽ ưu tiên phát triển chung cư với hạ tầng đồng bộ, cải tạo chỉnh trang và tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị và nông thôn.

TP.HCM định hướng quy hoạch khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường không chỉ phản ánh sự chuyển mình trong tư duy phát triển công nghiệp, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường và hướng đến mô hình kinh tế xanh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu hội nhập ngày càng cao, mô hình này giúp thành phố nâng cao chất lượng tăng trưởng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo phát triển công nghiệp bền vững, hài hòa với mục tiêu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Để hiện thực hóa định hướng này, TP.HCM cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản lý môi trường tại các khu công nghiệp. Sự đồng hành của doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng sẽ là yếu tố then chốt để chuyển đổi mô hình công nghiệp thành công, góp phần định hình một thành phố phát triển hiện đại và xanh, tuần hoàn.

 

 

Thu Hương

Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/tp-hcm-uu-tien-cong-nghe-sach-than-thien-moi-truong-trong-quy-hoach-khu-cong-nghiep.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tây Ninh: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh luôn chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Song song đó, nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm cũng được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn.

Sơn La triển khai giải pháp xử lý chất thải trong sản xuất cà phê

Tỉnh Sơn La có hơn 21.000 ha trồng cà phê với sản lượng khoảng 400.000 tấn quả/năm. Cùng với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, địa phương này triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý nước thải, phế phẩm từ hoạt động sản xuất cà phê, hạn chế tác động tới môi trường.