Tăng cường hạ tầng môi trường, triển khai công nghệ hiện đại là giải pháp cần thiết đển triệt để xử lý ô nhiễm môi trường ở những đo thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh
Cụ thể, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới 2030 đạt 100%. Đến năm 2025, 100% phương tiện thu gom rác tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 100% trạm trung chuyển rác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành và quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý tập trung đến năm 2025 đạt 58%, hướng tới 2030 đạt 88%.
Cùng với đó, Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp trên địa bàn thành phố xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ nước thải bệnh viện, chất thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất có xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%. Giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới đạt tối thiểu 15% tổng công suất cực đại hệ thống điện trên toàn thành phố. 100% công chức, viên chức thành phố được phổ biến kiến thức ứng phó biến đổi khí hậu. 100% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. 90% học sinh, sinh viên, công chức, viên chức áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.
UBND thành phố Hồ Chí Minh giao các sở ngành, các cơ quan trực thuộc UBND thành phố, UBND cấp cơ sở tổ chức triển khai các giải pháp, chương trình/dự án được phân công nhiệm vụ trong năm 2025; định kỳ báo cáo, cập nhật kết quả thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 30/5/2025 và 01/11/2025 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, các sở ngành, địa phương chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định.
Với sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự chuẩn bị chu đáo trong kế hoạch, thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng hiệu quả công tác xử lý chất thải sinh hoạt sẽ được tăng cao, đem lại môi trường sống xanh hơn và đặc biệt đem lại giá trị kinh tế từ rác khi triển khai các công nghệ đốt phát điện.