Nhiều hạn chế trong triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

21/07/2025 21:37

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tiếp tục xây dựng các thương hiệu mới và bảo vệ các thương hiệu, giải thưởng đã được công nhận để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ, một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp mới đây về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm và Đề án 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nêu rõ: Với Đề án 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, với sự chủ động triển khai với nhiều mô hình tại các địa phương, sự vào cuộc của các hợp tác xã, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Đề án đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng; việc triển khai Đề án góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN và đối tác quốc tế… 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh (diễn ra sáng 13/7 tại Cần Thơ).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn một số tồn tại như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chưa cao; chưa làm tốt hoạt động liên kết vùng, liên kết quốc tế, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng thương hiệu gạo quốc gia để tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, nhất là đối với một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương tham gia thực hiện Đề án và các cơ quan liên quan hoàn thiện việc rà soát, phê duyệt quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL thuộc Đề án, hoàn thành trong quý III/2025; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tiếp tục xây dựng các thương hiệu mới và bảo vệ các thương hiệu, giải thưởng đã được công nhận để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các địa phương tham gia thực hiện Đề án chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn người nông dân và các hợp tác xã triển khai thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo, thực hiện ký các hiệp định dài hạn (từ 5-10 năm), bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương khu vực ĐBSCL xây dựng mẫu mã bao bì bền, đẹp, phù hợp với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và dễ nhận diện.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai thực hiện Đề án, chủ động giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các vướng mắc phát sinh (nếu có). Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà nước; các doanh nghiệp phải cam kết và bảo đảm đầu ra, cung ứng vật tư nông nghiệp và các mặt hàng phục vụ cho sản xuất lúa (phân bón, thuốc trừ sâu và các vấn đề liên quan đến tăng năng suất lao động…).

(Ảnh minh họa)

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023. Đề án triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL (cũ).

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025: Về quy mô: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha.

Về canh tác bền vững: Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100 kg/ ha, giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Về tổ chức lại sản xuất: 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích. Trên 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng: Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; Xây dựng thương hiệu và xuất khẩu: Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Đến năm 2030: Về quy mô: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu ha.

Về canh tác bền vững: Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Về tổ chức sản xuất: 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng: giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Xây dựng thương hiệu và xuất khẩu: Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh…/.

 

 

MỸ KIM – PHƯƠNG ĐIỀN

Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/nhieu-han-che-trong-trien-khai-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM