Nghệ An: Nhiều mô hình xử lý rác thải hiệu quả cao

10/05/2025 09:30

Với sự chung tay vào cuộc của chính quyền, nhân dân các dịa phương, tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” thông qua việc xây dựng và nhân rộng được hơn 10.000 mô hình kỹ thuật xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Để góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo hướng sinh thái, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) xây dựng Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được triển khai tại tỉnh Nghệ An từ năm 2022-2024 trên địa bàn 15 xã của 3 huyện, gồm: xã Hòa Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn, Thịnh Sơn, Lạc Sơn, Đặng Sơn (huyện Đô Lương), xã Kim Liên, thị trấn, Thượng Tân Lộc, Xuân Lâm, Nam Thanh (huyện Nam Đàn), xã Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, Đông Hiếu, Nghĩa Mỹ (TX Thái Hòa).

Với mục tiêu biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên rác hữu cơ; Bảo vệ môi trường; Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; Cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; Nâng cao sức khỏe cộng đồng. Dự án tập trung vào 5 giải pháp kỹ thuật gồm: Kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật ủ phân hữu cơ tại ruộng, kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật nuôi sâu canxi, đến nay Dự án đã cơ bản mang lại nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận không chỉ cho riêng tỉnh Nghệ An mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cho chính các hộ nông dân.

Sau 3 năm triển khai, Dự án đã tổ chức 42 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ theo hướng thân thiện môi trường cho 1.320 hội viên nông dân trên địa bàn 15 xã tham gia dự án; đã xây dựng được 670 mô hình xử lý rác thải tại địa bàn các xã tham gia dự án (gồm: 110 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; 150 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; 110 mô hình ủ phân tại ruộng; 150 mô hình nuôi sâu canxi và 110 mô hình nuôi giun trùn quế).

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hội viên nông dân các kỹ thuật xử lý rác thải (lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi)

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân 3 huyện, thị xã là Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn tham gia dự án thực hiện triển khai dự án trên 100% các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm lan toả, nhân rộng những mô hình điểm như mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ vi sinh tại các hộ gia đình hội viên nông dân ở huyện Hưng Nguyên; Xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ vi sinh tại các hộ gia đình hội viên nông dân vùng bãi ngang biển góp phần bảo vệ môi trường biển ở huyện Quỳnh Lưu; Xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ vi sinh tại các hộ gia đình hội viên nông dân vùng quy hoạch trồng cây ăn quả ở huyện Nghĩa Đàn.

Các hộ hội viên tham gia mô hình được tập huấn kiến thức về thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ vi sinh; được hỗ trợ vật tư xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ vi sinh. Theo đó, mỗi mô hình được hỗ trợ 70 thùng nhựa đựng rác 2 ngăn (mỗi hộ 1 thùng) để phân loại rác thải sinh hoạt; 70 thùng ủ phân hữu cơ vi sinh (mỗi hộ 1 thùng); Hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Đến nay, tại các đơn vị tham gia dự án đã thực hiện nhân rộng được hơn 10.000 mô hình kỹ thuật TOT1 (bao gồm kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày) và TOT2 (bao gồm kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật nuôi sâu canxi).

Mô hình xử lý rác thải từ phụ phẩm nông nghiệp thành phân vi sinh, giá thể trồng rau an toàn ở thị xã Thái Hoà

Nhằm thực hiện mục tiêu của Dự án, Hội Nông dân huyện Yên Thành Hội đã chủ động phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn giảng dạy trực tiếp về kỹ năng sử dụng chế phẩm sinh học nhằm sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Nhiều hộ gia đình đã chủ động tận dụng nguồn phân chuồng, kết hợp phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thành công phân bón hữu cơ, qua đó tiết kiệm đến 50% chi phí mua phân bón so với trước kia.

Không chỉ riêng Nghệ An, các tỉnh và địa phương khác trên cả nước đang tùng ngày nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới, mô hình hiệu quả để tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp qua đó làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường và giúp gia tăng thu nhập của người nông dân.

Việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường đã giúp cho các hộ dân giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bền vững. Đồng thời, thông qua các hoạt động của dự án, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Phạm Kiên
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốc

https://congnghiepmoitruong.vn/nghe-an-nhieu-mo-hinh-xu-ly-rac-thai-hieu-qua-cao-15024.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thái Nguyên: Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Chú trọng tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật về môi trường khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là việc xử lý nước thải; kiểm tra, giám sát, khuyến khích các doanh nghiệp tại KCN cải tạo nâng cấp và đầu tư mới thiết bị máy móc hiện đại hạn chế sự cố phát thải ra môi trường; phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về bảo vệ môi trường là những nội dung quan trọng mà tỉnh Thái Nguyên đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đi kèm với bảo vệ, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp.

Ngành Than đẩy mạnh “sản xuất xanh”

Với chiến lược phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, những năm qua ngành Than tập trung các giải pháp nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, phòng ngừa sự cố môi trường, cải tạo cảnh quan, phục hồi môi trường, phát triển "sản xuất xanh".

Lâm Đồng đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn theo hướng tuần hoàn vì một môi trường bền vững

Tỉnh Lâm Đồng chính thức đưa vào vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh. Công trình do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đầu tư và vận hành, sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược quản lý chất thải rắn theo hướng hiện đại, tuần hoàn và thân thiện với môi trường.