Thái Nguyên xây dựng mô hình quản lý, vận hành lưới điện thông minh

17/07/2025 20:49

Ngành điện tỉnh Thái Nguyên xác định việc xây dựng lưới điện thông minh là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao độ tin cậy, tối ưu hóa công tác vận hành, quản lý lưới điện.

Lưới điện thông minh (Smart Grid) là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa ngành điện, kết hợp giữa công nghệ điện – điện tử với công nghệ thông tin và truyền thông.  Khác với lưới điện truyền thống, lưới điện thông minh có khả năng giám sát, điều khiển từ xa, tự động hóa quá trình vận hành, đồng thời phân tích và xử lý dữ liệu theo thời gian thực.

Hệ thống này cho phép truyền dẫn điện và thông tin hai chiều giữa nhà máy điện, trạm biến áp và phụ tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các nguồn năng lượng phân tán như điện mặt trời, điện gió. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như công tơ điện tử, trạm biến áp số, hệ thống SCADA, DMS, OMS và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp hệ thống điện vận hành linh hoạt, an toàn, hiệu quả, mà còn mở rộng khả năng tương tác giữa ngành điện với khách hàng sử dụng điện

Tại tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2018 đến nay, 100% trạm biến áp 110kV của Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đã được đưa vào chế độ vận hành không người trực. Trong đó, 16 trạm biến áp 110kV không người trực đang được giám sát, vận hành hiệu quả thông qua hệ thống SCADA, giúp theo dõi liên tục các tín hiệu cảnh báo, trạng thái thiết bị theo thời gian thực, điều khiển các thiết bị từ Trung tâm điều khiển. Giải pháp này không chỉ rút ngắn thời gian thao tác, xử lý sự cố mà còn nâng cao độ an toàn và tin cậy trong vận hành lưới điện.

(Ảnh minh họa). 

PC Thái Nguyên còn tập trung nguồn lực triển khai hàng loạt dự án hiện đại hóa lưới điện trung áp. Cụ thể, hàng trăm thiết bị đóng cắt như Recloser (máy cắt tự động đóng lặp lại) - 136 bộ, LBS (dao cách ly có tải) - 150 bộ, RMU (Tủ điện hợp bộ, trong đó lắp đặt các trang bị phân phối của một hoặc nhiều khối chức năng; loại tủ này thường được sử dụng cho lưới điện trung áp có cấu trúc mạch vòng) - 41 bộ, đã được kết nối về Trung tâm điều khiển. 

Đặc biệt, 10 mạch tự động hóa đã được tích hợp thành công và vận hành trên phần mềm Scada Spectrum Power 5 của hãng Siemens. Ngoài ra việc lắp đặt hệ thống bảo vệ định vị vị trí sự cố trên lưới điện 110kV đã giúp rút ngắn thời gian xử lý khi xảy ra sự cố, qua đó nâng cao độ tin cậy trong công tác cung cấp điện.

Trước đây, việc vận hành các trạm biến áp 110kV chủ yếu dựa vào nhân lực tại chỗ. Việc kiểm tra thiết bị được thực hiện theo phương pháp thủ công nên dễ xảy ra độ trễ trong phát hiện sự cố, ảnh hưởng đến độ tin cậy của hệ thống. Khi chuyển sang vận hành không người trực, các thông số kỹ thuật và tín hiệu cảnh báo được giám sát liên tục. Nhờ đó, Trung tâm điều khiển có thể đưa ra phản ứng kịp thời, chính xác mà không cần điều động nhân lực đến hiện trường. Thời gian thao tác đóng cắt thiết bị được rút ngắn, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp. PC Thái Nguyên đã đẩy nhanh lắp đặt công tơ điện tử kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu từ xa.

Đến nay, toàn bộ khách hàng trung áp và phần lớn khách hàng hạ áp trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt, đưa tỷ lệ công tơ điện tử trên lưới đạt 100%. Hệ thống này giúp ngành Điện giám sát, quản lý lưới điện hiệu quả hơn, đồng thời mang lại tiện ích thiết thực cho khách hàng trong việc theo dõi, kiểm soát điện năng tiêu thụ và phát hiện bất thường trong hóa đơn.

Bên cạnh hạ tầng thiết bị, PC Thái Nguyên còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số thông qua các phần mềm quản lý tiên tiến như DMS (hệ thống quản lý lưới điện phân phối), OMS (Hệ thống quản lý mất điện và tính toán các chỉ số độ tin cậy của lưới điện). Nhờ khả năng tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, các công cụ này không chỉ giúp tối ưu hóa điều độ vận hành mà còn hỗ trợ phân tích, dự báo và xử lý sự cố nhanh chóng, chính xác.

Không chỉ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, lưới điện thông minh còn tạo điều kiện để người dân chủ động quản lý mức tiêu thụ điện, tham gia thị trường điện cạnh tranh và hướng đến sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm hơn. Đây cũng là nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững.../. 

 

 

Lê Hưng

Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/thai-nguyen-xay-dung-mo-hinh-quan-ly-van-hanh-luoi-dien-thong-minh.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ứng dụng ảnh vệ tinh theo dõi chặt chẽ nước biển dâng

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, những tác động từ nước biển dâng gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống con người. Do đó các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh để theo dõi tình trạng nước biển dâng.

Trung Quốc áp dụng công nghệ hóa học trong xử lý nhựa phế thải

Trung Quốc vừa đưa vào vận hành nhà máy tái chế nhựa phế thải sử dụng công nghệ hóa học, mở ra hướng đi mới trong quản lý chất thải nhựa. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải quyết bài toán rác thải nhựa tại quốc gia đông dân nhất thế giới.