Sau cuộc đàm phán Mỹ - Trung, tâm lý lạc quan lan tỏa thị trường hàng hóa thế giới

16/05/2025 10:09

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sau cuộc đàm phán tích cực Mỹ - Trung, tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Lực mua chiếm ưu thế hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,15% lên mức 2.196 điểm.

Thị trường đậu tương hưởng lợi sau đàm phán

Theo ghi nhận của MXV, thị trường nông sản phản ứng sớm với kết quả của cuộc đàm phán thuế quan. Trong đó, giá đậu tương bật tăng mạnh 1,85% lên mức 393 USD/tấn trong phiên hôm qua. Đáng chú ý, hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu tương và dầu đậu tương cũng đồng loạt tăng mạnh, lần lượt 1,36% lên 328 USD/tấn và 2,78% lên 1.100 USD/tấn.

Tâm điểm của thị trường trong phiên giao dịch ngày hôm qua là kết quả của cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào ngày 10/5 tại Geneva (Thụy Sỹ). Sau nhiều tháng căng thẳng thương mại, việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí giảm thuế nhập khẩu trong 90 ngày thổi bùng tâm lý lạc quan trên thị trường.

Theo thông báo chính thức, hai nền kinh tế lớn nhất đã tiến đến được thỏa thuận cắt giảm mức thuế suất áp lên hàng hóa nhập khẩu từ nước còn lại. Hiện mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng từ Trung Quốc đã giảm từ 145% xuống còn 30%; đối với Trung Quốc, mức giảm là từ 125% xuống còn 10%. Đây là mức giảm đáng kể, mở ra kỳ vọng lớn cho hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là đậu tương, trong thời gian tới.

Đà tăng giá đậu tương càng được củng cố sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo WASDE tháng 5 với loạt số liệu tích cực. Theo đó, tồn kho cuối kỳ vụ cũ giảm xuống còn hơn 9,53 triệu tấn, thấp hơn so với dự đoán của thị trường, trong khi tồn kho vụ mới được khởi điểm ở mức hơn 8,03 triệu tấn, giảm tới 16% so với năm trước và thấp hơn đáng kể so với dự báo trung bình của các nhà phân tích. Thay vì điều chỉnh giảm mạnh xuất khẩu như lo ngại trước đó, USDA chỉ hạ nhẹ dự báo xuất khẩu 952.500 tấn, trong khi tiêu thụ ép dầu được nâng thêm 1,9 triệu tấn, phản ánh triển vọng tiêu dùng nội địa vẫn tích cực. Đồng thời, giá bán trung bình theo kỳ vọng của nông dân cũng được điều chỉnh tăng thêm 30 cent, lên mức 376,63 USD/tấn cho vụ mới.

Trên bình diện toàn cầu, USDA tiếp tục ghi nhận sản lượng đậu tương của Brazil đạt mức cao kỷ lục 175 triệu tấn trong niên vụ 2025-2026, củng cố vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đồng thời, dự báo nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng lên 112 triệu tấn, phản ánh nhu cầu tiêu thụ lớn tại thị trường này. Tuy nhiên, tồn kho đậu tương toàn cầu được USDA dự báo tăng lên 124,33 triệu tấn, cho thấy nguồn cung vẫn ở mức dồi dào và là yếu tố cần tiếp tục theo dõi. Đáng chú ý, Trung Quốc đang đẩy mạnh lộ trình cắt giảm tỉ lệ sử dụng khô đậu tương trong thức ăn chăn nuôi, với mục tiêu giảm xuống dưới 13% vào năm 2025 và chỉ còn 10% vào năm 2030. Xu hướng này có thể khiến áp lực nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc giảm bớt trong các niên vụ tới, qua đó tác động lên cân đối cung – cầu toàn cầu.

Đối với hai mặt hàng thành phẩm, giá dầu đậu tương đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của cả nhóm khi tăng mạnh 2,78% trong phiên vừa qua. Đà tăng này chủ yếu nhờ thông tin gói tín dụng thuế 45Z dành cho nhiên liệu sinh học tại Mỹ nhiều khả năng sẽ được gia hạn đến năm 2031, qua đó tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu đậu tương làm nguyên liệu sản xuất biodiesel.

Trái ngược với xu hướng chung trên thị trường, nhóm nguyên liệu công nghiệp trải qua phiên giao dịch kém tích cực khi hầu hết các mặt hàng chủ chốt trong nhóm đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá cà phê Arabica đánh mất gần 4% về mức 8.222 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng giảm hơn 3% xuống còn 5.052 USD/tấn.

Theo MXV, giá cà phê chịu áp lực giảm mạnh trong phiên vừa qua, chủ yếu do đồng USD tăng vọt sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cùng với triển vọng nguồn cung tiếp tục được đánh giá tích cực.

Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốc

https://baochinhphu.vn/sau-cuoc-dam-phan-my-trung-tam-ly-lac-quan-lan-toa-thi-truong-hang-hoa-the-gioi-102250513092825594.htm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phát huy vai trò tiên phong trong phát triển khoa học và công nghệ

Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức hội nghị khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025 nhằm tổng kết những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rủi ro lũ lụt: Giải pháp cấp thiết cho Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào quản lý rủi ro lũ lụt không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòi hỏi cấp bách tại Việt Nam - một quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc và mức độ đô thị hóa ngày càng gia tăng. Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2025, ngày 13/5, tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam), Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam và Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý rủi ro lũ lụt tại Việt Nam”.

Bình Định: Tăng cường nghiên cứu khoa học ứng dụng trong bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường trong tình hình mới không chỉ đòi hỏi Bình Định nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung phải tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường, từ xử lý rác thải đến kiểm soát ô nhiễm không khí và nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính định hướng lâu dài không chỉ giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sống cho người dân.