Huế: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

13/07/2025 09:55

Thành phố Huế đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ số, tự động hóa và các mô hình canh tác tiên tiến không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Trên hành trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thành phố Huế xác định nông nghiệp thông minh là hướng đi tất yếu. Các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu ứng dụng công nghệ trong canh tác rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi. Những mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt về năng suất và chất lượng, đồng thời giảm thiểu rủi ro do thời tiết.

Việc tích hợp công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp Huế nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng. Nông nghiệp được xác định là một trụ cột, đặc biệt là nông nghiệp đô thị, gắn với bảo tồn di sản và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vườn rau được sản xuất theo quy trình thuỷ canh là một trong số các mô hình trồng trọt bằng công nghệ cao. Theo đó, mô hình được thực hiện bằng phương pháp tiên tiến, kỹ thuật trồng rau sạch được đơn vị thiết kế trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và quy trình làm mát của Israel, với hệ thống tưới, châm phân, quạt thông gió điều hòa không khí... bằng hệ thống tự động điều khiển qua mạng wifi.

Nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần giảm ô nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các mô hình như trồng cây trong nhà kính hoặc canh tác thẳng đứng. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất mới, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nông nghiệp bền vững.

Cùng với kỹ thuật trồng rau được thiết kế trong nhà màng, ứng dụng tưới nhỏ giọt và quy trình làm mát của công nghệ Israel, mô hình sản xuất rau sạch này còn được thực hiện với quy trình thủy canh, tức là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất; quy trình sản xuất rau sạch này đem lại giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với sản xuất thông thường, do thị trường ưu chuộng và tin dùng...

Mô hình trồng rau thuỷ canh bao gồm các hoạt động sản xuất nông nghiệp phù hợp trong không gian đô thị, ven đô như trồng rau sạch, hoa kiểng, đến nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi quy mô nhỏ…

Các mô hình trồng rau thuỷ canh đảm bảo chất lượng, an toàn với người tiêu dùng. 

Thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp đô thị ở Huế gần đây đã góp phần cung cấp nguồn thực phẩm tươi sạch tại chỗ, giảm phụ thuộc vào vận chuyển từ nông thôn, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho cư dân đô thị. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thực tế, hầu hết các doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp đều đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cùng với trồng trọt công nghệ cao, thành phố Huế đã và đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp nuôi trồng thủy sản bền vững, ứng dụng công nghệ sinh thái để bảo vệ môi trường đầm phá. Thành phố cũng đang tận dụng rất tốt cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa để phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, tổ chức các trang trại ở ven đô, kết hợp sản xuất nông nghiệp với trải nghiệm du lịch, thu hút khách tham quan tìm hiểu về nông nghiệp và văn hóa Huế.

Theo Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, thành phố Huế định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững, với cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp được xác định là một trụ cột, đặc biệt là nông nghiệp đô thị, gắn với bảo tồn di sản và thích ứng biến đổi khí hậu. Nông nghiệp đô thị đang hướng đến mô hình hiện đại, chất lượng cao với tỷ suất đầu tư cho dự án lớn.

Tuy nhiên, trở ngại hiện nay của Huế là phát triển hạ tầng kỹ thuật như nhà màng, kho bãi, hệ thống tưới tiêu… chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao. Việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nhiều nông dân và hợp tác xã còn thiếu kỹ năng và công nghệ tiên tiến. Vấn đề quan trọng khác là thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Nhà nước cần giữ vai trò kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ở các cơ sở du lịch cao cấp và xuất khẩu ra các thị trường khó tính. Xem đó là yếu tố then chốt. Để phát triển nông nghiệp đô thị, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển, cần xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nông nghiệp phù hợp, tích hợp nông nghiệp đô thị vào quy hoạch đô thị, ưu tiên phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở các vùng ven đô thị, hình thành không gian sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.

Ngoài ra, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái. Chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề giỏi, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát huy nội lực để nâng cao năng suất, chất lượng...

Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh không chỉ mở ra hướng đi bền vững cho thành phố Huế mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp địa phương.

Trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất là yếu tố quan trọng giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Với định hướng đúng đắn và sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền, Huế đang từng bước xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, gắn kết chặt chẽ với khoa học công nghệ và nhu cầu thị trường hiện nay.

 

 

Hoài Thương

 
Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/hue-tap-trung-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

An Giang: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tỉnh ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị. Đây được xem là bước chuyển quan trọng để nông nghiệp địa phương có nhiều bứt phá.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành các hồ chứa

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đang vận hành hệ thống dữ liệu trên các hồ chứa thuộc 11 lưu vực sông lớn. Hệ thống này giúp theo dõi và điều tiết nước, ứng phó với các tình huống lũ lụt và hạn hán, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên nước hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, từ việc sử dụng máy móc hiện đại, các hệ thống tự động đến việc áp dụng các nền tảng số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm.